Ông Kiên Lê trao đổi về du lịch trị liệu tại sự kiện. |
Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý ngành du lịch, các đại diện đến từ trường đào tạo y dược tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư và phát triển du lịch trên khắp Việt Nam, các đơn vị lữ hành trong nước, quốc tế.
Du lịch trị liệu được định nghĩa là các ngành cho phép người tiêu dùng kết hợp các hoạt động chăm sóc sức khỏe và lối sống vào cuộc sống hằng ngày của họ bao gồm 10 lĩnh vực đa dạng. Khai thác các khía cạnh còn bỏ ngỏ với sự kết hợp với các ngành chăm sóc sức khỏe, vận dụng các bài thuốc nam, những kinh nghiệm dân gian cổ xưa của người Việt góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch trị liệu tại Việt Nam.
Du lịch trị liệu còn bao gồm nhiều hoạt động như rời xa đời sống ồn ào của phố thị, những món ăn công nghiệp để tìm về với thiên nhiên hoang sơ, những món ăn bản địa có nguồn tự nhiên, những sinh hoạt mang tính kết nối sâu sắc giữa người với người, với bản thân mỗi cá nhân là những dữ liệu quan trọng.
Theo ông Kiên Lê – CEO của Panhou Retreat (Hà Giang) và Whale Island Resort (Nha Trang), các khu nghỉ có vị trí ở nơi rừng xanh và biển vắng là điều kiện lý tưởng để xây dựng các sản phẩm du lịch trị liệu. Theo đó, các sản phẩm du lịch trị liệu đề cao tính “ngắt kết nối” với công nghệ: sóng tivi, wifi để “kết nối với bản thân nhiều hơn” là một tiêu chí.
Ngoài ra, sản phẩm du lịch trị liệu còn quan tâm mật độ xây dựng, thiết kế các bungalow nằm trọn trong không gian tự nhiên mở tối đa với tự nhiên, sử dụng 100% các vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường như gỗ, đá, tre từ địa phương; tạo các trải nghiệm nội khu và chung quanh, hướng tới chăm sóc sức khỏe như tắm lá Dao Đỏ, massage trị liệu, tắm khoáng nóng, làm vườn, nấu ăn, tương tác với người dân bản địa,…
Ông Nguyễn Quốc Thệ, Hiệu trưởng Trường trung cấp Y dược Vạn Hạnh, cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch trị liệu khi có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc hữu và nền y học cổ truyền có hàng nghìn năm tuổi, với những giá trị ưu việt.
Ông Nguyễn Quốc Thệ trao đổi về tiềm năng phát triển du lịch trị liệu tại Việt Nam. |
Tuy nhiên, các khu du lịch trị liệu chưa phát huy được hết các yếu tố trị liệu. Cụ thể, xoa bóp, bấm huyệt được ứng dụng đơn thuần là thư giãn, yếu tố trị liệu còn thấp. Bên cạnh đó, nhân lực chưa được đào tạo bài bản về y học cổ truyền; dược liệu chưa được quan tâm…
Để khắc phục điều đó, theo ông Nguyễn Quốc Thệ, các khu du lịch trị liệu cần sự phối hợp từ ngành du lịch, trường đại học đào tạo về y học cổ truyền. Ngoài ra, người học về du lịch cần học thêm y học cổ truyền và ngược lại; các khóa đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn.
Nguồn:https://nhandan.vn/phat-huy-tiem-nang-du-lich-tri-lieu-o-viet-nam-post771516.html