Người dân xã Tân Liên, huyện Cao Lộc chăm sóc rau phục vụ thị trường tết
– Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này, người trồng rau thương phẩm trên địa bàn tỉnh đang tập trung trồng, chăm sóc rau nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo nguồn cung phục vụ thị trường.
Tân Liên là một trong những xã có diện tích trồng rau lớn của huyện Cao Lộc. Hiện tại, người dân đã gieo trồng được khoảng 20 ha rau các loại, trong đó chủ yếu là một số loại rau đặc trưng của tỉnh như: cải làn, cải ngồng, su hào… Để rau sinh trưởng tốt, cho thu hoạch đúng thời vụ, người dân đang tất bật thực hiện các công đoạn chăm sóc rau. Bà Dương Thị Thế, thôn Nà Hán, xã Tân Liên cho biết: Từ tháng 10 âm lịch, gia đình tôi đã bắt đầu gieo trồng rau để phục vụ cho dịp tết. Hiện gia đình đang có trên 5 sào rau, chủ yếu là su hào và cải ngồng. Để rau phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng, tôi chú trọng vào khâu chọn giống, làm cỏ, vun xới đất và sử dụng phân bón hữu cơ. Dự kiến, dịp tết năm nay, gia đình tôi sẽ xuất bán ra thị trường trên 4 tấn rau, thu về lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng.
Không chỉ riêng xã Tân Liên, đến thời điểm hiện tại, người dân trên địa bàn huyện Cao Lộc đã gieo trồng được 120 ha rau các loại. Trong đó, có hơn 1 ha rau được sản xuất theo hướng hữu cơ trong nhà màng – nhà lưới, còn lại đều được sản xuất theo hướng an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng. Bà Lành Thị Minh Huyền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc cho biết: Để đảm bảo hiệu quả trong sản xuất rau vụ Đông – Xuân, ngay từ tháng 11/2023, trung tâm đã phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân gieo trồng áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, trung tâm cử cán bộ thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất rau tại các xã, nhất là các xã có vùng rau lớn như Tân Liên, Gia Cát để kịp thời phát hiện, khuyến cáo và hướng dẫn người dân xử lý sâu bệnh, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng rau. Cùng với đó, trong năm 2023, trung tâm cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 25 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu cho hơn 1.000 lượt người tham gia.
Tương tự, tại huyện Cao Lộc, công tác chuẩn bị nguồn cung rau phục vụ thị trường tết của người dân và các HTX sản xuất rau trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cũng tất bật không kém. Bà Lý Thị Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ đầu tháng 10 âm lịch, chúng tôi đã gieo trồng 6 ha rau an toàn, chủ yếu là các loại rau: bắp cải, cải ngồng hoa vàng, cải lai… Với mục tiêu sản xuất rau an toàn, HTX chú trọng chăm sóc rau theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh để tưới tiêu nhằm đảm bảo chất lượng rau, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng. Dự ước, sản lượng rau vụ tết của HTX đạt khoảng 20 tấn, đem lại tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, để đảm bảo luôn sẵn sàng nguồn cung ứng rau, đặc biệt là dịp sau tết, hiện nay, HTX cũng đã tiến hành làm đất, cày bừa để chuẩn bị gieo trồng thêm một số loại rau, củ, rau gia vị như cà chua, cà rốt, xà lách, hành, tỏi…
Theo số liệu của cơ quan thống kê, tại thời điểm cuối tháng 12/2023, toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 720 ha rau các loại, với điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, dự ước sản lượng rau đạt khoảng 9.360 tấn, đáp ứng nhu cầu rau xanh dịp cao điểm Tết Nguyên đán của người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu là các loại rau như: bắp cải, súp lơ, cải ngồng, su hào…; tập trung chủ yếu ở các huyện, thành phố như Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan, thành phố Lạng Sơn… Để rau phát triển tốt, đảm bảo nguồn cung phục vụ thị trường, bên cạnh sự chủ động của người dân, các cơ quan chuyên môn cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là tại nơi có các vùng trồng rau lớn của tỉnh để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ, xử lý sâu bệnh hại một cách phù hợp, đảm bảo sản xuất theo hướng an toàn trước khi sản phẩm đến tay khách hàng.
Bà Phùng Thị Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các vùng sản xuất rau trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc để chuẩn bị nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán. Để bảo vệ sản xuất, chi cục đã chỉ đạo, phối hợp với đơn vị chuyên môn ở các huyện, thành phố theo dõi sát diễn biến thời tiết, điều tra phát hiện, dự tính dự báo sâu bệnh hại, khuyến cáo người dân phòng trừ kịp thời. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn theo tiểu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Được biết, giá rau xanh năm nay cao hơn so cùng kỳ năm trước và có xu hướng tăng dần vào dịp giáp tết. Với sự chủ động của người dân và sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, tình hình sản xuất rau trên địa bàn tỉnh đang diễn ra thuận lợi, rau phát triển tốt, phong phú về chủng loại, hứa hẹn một mùa rau tết bội thu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.