“Cột mốc vàng Điện Biên Phủ” là bộ phim tài liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân, do đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải thực hiện năm 2004. Đã tròn 20 năm kể từ khi bắt tay vào thực hiện bộ phim, nhưng đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải vẫn nhớ như in những kỷ niệm, cảm xúc về bộ phim.
Bộ phim ra đời đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Thời điểm đó, đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải đang là Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân. Những thôi thúc từ mong muốn làm được một sản phẩm điện ảnh “ra tấm ra món”, toát lên được sự vĩ đại của chiến thắng Điện Biên lừng lẫy khiến ông ấp ủ ý định thực hiện một tác phẩm tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ. Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải xác định sẽ tìm một hướng khai thác khác, từ phía Pháp, để thấy được sự “tâm phục khẩu phục” của họ trước chiến thắng của quân và dân ta.
Khi đó, với cương vị là Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải đã mời nhà văn Hữu Mai chắp bút viết kịch bản. “Chúng tôi thuộc thế hệ kháng chiến chống Mỹ, về sau này, còn nhà văn Hữu Mai là thế hệ trước, từ thời kháng chiến chống Pháp, ông hiểu và có nhiều kinh nghiệm. Nhà văn Hữu Mai khi đó đã rất phấn khởi nhận lời”, đạo diễn Đặng Xuân Hải chia sẻ.
Lúc nhà văn Hữu Mai viết xong kịch bản, sợ không kịp thời gian nên đích thân đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải đứng ra thực hiện bộ phim, mặc dù vô cùng bận rộn với công việc làm quản lý. “Tôi sợ không kịp thời gian, sợ phim làm ra không có gì đặc biệt, không để lại ấn tượng, không đạt được mục tiêu phục vụ tuyên truyền, cho nên đã tự đứng ra làm”, ông kể lại.
Bộ phim được thực hiện với sự công phu trong tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, tư liệu. Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải chia sẻ, ông đi tìm tư liệu từ nhiều nguồn, mất rất nhiều công sức, nhất là về phía quân Pháp, phải chứng minh được là mưu đồ của Pháp như thế nào, tướng lĩnh Pháp khi đó đã huênh hoang như thế nào, và ta đã bẻ gãy sự huênh hoang đó như thế nào, sự thông minh và sáng tạo của người cầm quân như thế nào. Một số tư liệu hình được lấy từ nguồn của đồng nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, cũng như một số phim tài liệu nước ngoài về Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói là trong số các phim về Điện Biên Phủ, đây là phim ông thích nhất. Điều đó cho thấy phim toát lên quy mô, tính chuẩn xác với lịch sử. Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải
|
“Tôi đã tìm hiểu rất kỹ và được biết, ở cuộc họp với chuyên gia Trung Quốc ở Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Tôi quyết định không đánh nhanh thắng nhanh ở Điện Biên Phủ nữa, mà chuyển sang đánh chắc thắng chắc”. Sau này, ông cũng đã tìm được vị chuyên gia Trung Quốc này để đưa vào bộ phim, làm tăng tính thuyết phục.
Một nguồn tư liệu quan trọng nữa mà đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải tìm kiếm được là các tạp chí nước ngoài, thậm chí ông tìm đến cả các nhà văn, các tác giả của Pháp, kết hợp giữa ảnh và phim để dựng thành các tuyến tư liệu của Pháp. “Khi đó, các tuyến chiến trường của Pháp có rất nhiều: Tây Nam Ninh Bình, Tây Nguyên, Khu 5, Bắc Lào… chia lửa và hỗ trợ cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong phim, tôi đề cập đến rất nhiều tướng lĩnh Pháp đến Điện Biên Phủ vào thời điểm đó. Khó khăn lớn nhất là phải xác định cho đúng tên tuổi, chức danh, cấp bậc quân hàm, ai chỉ huy pháo binh, ai chỉ huy tăng thiết giáp, bộ binh, đồi A1…” – ông nói.
Sau khi khảo sát nhiều lần, đối chứng các tài liệu, nhất là được nhà văn Hữu Mai hỗ trợ, bộ phim đã được sản xuất và hoàn thành. Kể về nhà văn Hữu Mai, đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải chia sẻ: “Hai anh em chúng tôi gắn kết với nhau qua bộ phim này. Chính anh Hữu Mai có nói với tôi là không ngờ tôi làm quản lý lâu rồi mà làm phim này lại hiệu quả, cách làm truyền cảm. Vừa đúng, phù hợp với suy nghĩ của nhà biên kịch, toát lên toàn bộ ý đồ của kịch bản, nhưng vẫn đúng lịch sử”.
Bộ phim sau khi hoàn thành, đã được công chiếu rộng rãi ở nhiều địa phương, và được đem đi chiếu ở một số nước, cả ở Pháp. Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải chia sẻ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói là trong số các phim về Điện Biên Phủ, đây là phim ông thích nhất. Đó không chỉ là lời khen của người trong cuộc, mà còn là sự động viên lớn lao của Đại tướng dành cho người làm điện ảnh tài liệu như ông.
Năm 2004, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIV, bộ phim tài liệu “Cột mốc vàng Điện Biên Phủ” giành giải Bông sen bạc ở hạng mục Phim tài liệu.