Là chương trình quen thuộc với khán giả mỗi dịp Tết đến xuân về trong suốt 20 năm qua, thế những có những chi tiết thú vị về “Táo quân” mà không phải ai cũng biết.
Trải qua hơn 20 năm lên sóng, chương trình Táo quân đã có nhiều sự thay đổi, sáng tạo. Không ít những điều thú vị của chương trình đã bị khán giả lãng quên, hoặc có thể chưa biết đến.
Táo quân ban đầu chỉ là một tiểu phẩm ngắn
Lên sóng đầu tiên vào năm 2003, Táo quân có nguồn gốc từ chương trình Gặp nhau cuối tuần do VFC – Trung tâm sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện.
Những người làm chương trình này có ý tưởng làm Gặp nhau cuối năm để tổng kết những vấn đề đặt ra trong chương trình và Táo quân chỉ là một tiểu phẩm nhỏ nằm trong tổng thể chương trình này.
Nam Tào – Bắc Đẩu.
NSƯT Đỗ Thanh Hải từng đưa ra nhiều ý tưởng mới về chương trình. Theo đó, ê-kíp không muốn dựa theo câu chuyện hai ông một bà như truyền thuyết mà phải đưa ra cái gì đó thật đặc biệt để có thể diễn lâu dài và các diễn viên có thể tung hứng với nhau, tạo nên tiếng cười đắt giá.
Trải qua nhiều lần hội ý, cuối cùng nhóm sản xuất quyết định đưa vai Nam Tào – Bắc Đẩu vào Táo quân, mặc dù trong truyền thuyết về Táo quân không có hai nhân vật này.
Táo quân 2003 ban đầu chỉ tiểu phẩm ngắn nằm trong khuôn khổ chương trình Gặp nhau cuối năm. Sau thành công ở năm đầu tiên, ê-kíp thực hiện quyết định đầu tư để thực hiện Táo quân vào mỗi năm.
Quốc Khánh không phải Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo quân
Thời điểm số đầu liên lên sóng, Táo quân 2003 được thực hiện khá sơ sài tại trường quay và người vào vai Ngọc Hoàng là NSND Quốc Trượng. Đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất, nghệ sĩ chèo này vào vai Ngọc Hoàng trong chuỗi chương trình ăn khách của VTV.
Sau này, vai Ngọc Hoàng được “đóng đinh” qua diễn xuất của nghệ sĩ Quốc Khánh.
Vân Dung chính là nghệ sĩ nữ tham gia Táo quân ngay từ số đầu tiên và gắn bó xuyên suốt với chương trình từ đó đến nay.
Thời điểm Táo quân 2003 lên sóng, Vân Dung được giao trọng trách với vai Táo xã hội. Sau đó, nữ nghệ sĩ bắt đầu chuyển hướng sang ngành Y khi vào vai Táo dược phẩm, Táo Y tế…
Đối với Vân Dung, dù được thể hiện nhiều vai diễn nhưng Táo Y tế vẫn là nhân vật cô yêu thích nhất.
Gắn bó với chương trình từ những ngày đầu tiên, Vân Dung ghi dấu ấn trong lòng khán giả với vai Táo Y tế.
Trong số các nam nghệ sĩ thì Xuân Bắc, Công Lý, Quang Thắng và Tự Long là những người gắn bó với Táo quân từ những số đầu tiên vào năm 20023. Ngoài ra, “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh bắt đầu tham gia từ năm 2004 và NSƯT Chí Trung cũng lần đầu đảm nhận vai Táo từ đêm giao thừa 2005.
NSND Tự Long đóng nhiều vai nhất trong Táo quân
Hơn 2 thập kỷ lên sóng, trong khi các nghệ sĩ khác gắn liền với một vai diễn thì NSND Tự Long lại đảm nhận rất nhiều vai khác nhau như Táo thoát nước, Táo văn hóa giáo dục, Táo thể thao, Táo thổ địa, Táo giao thông, Táo mạng…
Trong mỗi năm, Tự Long đều biến hóa tài tình, đảm trách nhiều nhân vật khác nhau trong Táo quân. Cùng khả năng ca hát đủ các thể loại âm nhạc khiến các vai diễn của NSND Tự Long luôn được khán giả chờ đợi.
“Tôi ít khi có vai diễn cố định trong Táo quân mà thường chạy lung tung, đóng vai Táo “lạ”. Có khi đến gần cuối, có một Táo mới phát sinh thì Tự Long sẽ đóng vai Táo đó”, NSND Tự Long từng hài hước chia sẻ về những vai diễn của mình.
NSND Tự Long ít có vai diễn cố định trong Táo quân.
Những nghệ sĩ miền Nam từng tham gia Táo quân
Bên cạnh dàn nghệ sĩ gạo cội gắn bó suốt 20 năm với Táo quân, chương trình từng có thêm các “nhân tố mới” từ miền Nam tham gia.
Năm 2015, Táo quân lần đầu tiên đánh dấu sự tham gia của hai nghệ sĩ hài miền Nam là Việt Hương và cố nghệ sĩ Chí Tài. Thời điểm đó, Việt Hương chia sẻ đã phải hủy tất cả các show tại Mỹ để nhận lời tham gia chương trình. Ngay cả chồng và con của Việt Hương cũng phải hủy vé máy bay để chờ chị hoàn tất công việc trong Táo quân rồi sau đó mới bay về Mỹ.
Cố nghệ sĩ Chí Tài và diễn viên Việt Hương vào vai những viên chức “hành là chính” ở các cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục giấy tờ cho người dân.
Chí Tài và Việt Hương tham gia “Táo quân 2015”.
Năm 2021, Lâm Vỹ Dạ là nhân tố mới ở Táo Quân. Lâm Vỹ Dạ vào vai Bắc Đẩu phiên bản người máy nhân tạo. Sự tham gia của Lâm Vỹ Dạ được đánh giá là thú vị, mang đến dấu ấn nhất định cho chương trình.
Lâm Vỹ Dạ xuất hiện tại “Táo quân 2021”.
Lâm Vỹ Dạ cũng chia sẻ cảm thấy áp lực khi tham gia Táo quân vì phải học thuộc rất nhiều thoại, diễn bằng giọng Bắc và thời gian tập không nhiều, do vướng nhiều lịch trình. Tuy nhiên cô đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía ê-kíp thực hiện chương trình.
Hai ca sĩ điển trai từng đảm nhận vai Thiên Lôi
Nhân vật Thiên Lôi – người gác cổng thiên đình luôn là nhân tố đem lại nhiều tiếng cười cho khán giả của Táo quân hàng năm. Đến thời điểm hiện tại, vai diễn này đã thay đến 8 diễn viên.
Năm 2004, Thiên Lôi do nghệ sĩ Phú Đôn đảm nhận. Sau đó, diễn viên Trần Bình Trọng tiếp tục đảm nhận trong những năm 2008, 2009, 2011. Anh cũng là người giữ vai Thiên Lôi nhiều lần nhất.
Năm 2013, vai diễn Thiên Lôi gây được chú ý khi giao cho ca sĩ Minh Quân. Anh không ngại làm xấu gương mặt và đầu tư khá kỹ càng về trang phục, hóa trang, đất diễn. Tiếp đó, nam ca sĩ có thêm 2 lần nữa vào vai trợ lý Thiên Lôi vào năm 2015 và 2016.
Năm 2014, vai Thiên Lôi vẫn giữ nguyên tạo hình “cháy đen thui” nhưng vai diễn này lại được đảm nhiệm bởi nhạc sĩ Tiến Minh.
Minh Quân và Tuấn Hưng là 2 ca sĩ từng đóng Thiên Lôi.
Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của ca sĩ Tuấn Hưng trong vai Thiên Lôi vào năm 2015. Không còn tạo hình đen nhẻm, xấu xí, Tuấn Hưng xuất hiện với diện mạo đẹp trai, nam tính. Anh cũng được đành giá là “Thiên Lôi đẹp trai nhất Táo quân”.
Năm 2016, vai diễn Thiên Lôi tiếp tục được xây dựng với phong cách “trai đẹp” khi được giao cho diễn viên Bình Minh. Năm 2017, vai Thiên Lôi do diễn viên trẻ Mạnh Dũng (Dũng Hớn) đảm nhiệm. Gần đây nhất, năm 2022, bộ đôi diễn viên trẻ Việt Bắc, Mạnh Dũng được đảm nhận vị trí này.
Nhiều gameshow nổi tiếng từng xuất hiện trong Táo quân
Khán giả quên sao được cuộc thi Hoa Táo của Táo quân 2009 – kịch bản dựa theo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Năm 2011, Táo Idol xuất hiện dựa theo chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam – Vietnam Idol.
Đến năm 2013, kịch bản lại được lấy ý tưởng từ chương trình Giọng hát Việt. Năm 2015 với Ai là triệu phú và Chiếc nón kỳ diệu – Vòng quay tham nhũng là câu chuyện xuất hiện trong Táo quân 2016.
Hàng loạt gameshow ăn khách từng được xuất hiện trong Táo quân khiến khán giả thêm phần gần gũi.
Chưa kể, những ca khúc, những bản nhạc chế đình đám cũng liên tục được cập nhật để đưa vào chương trình luôn gây sốt mỗi năm đến nay vẫn thu hút lượt xem lớn trên Youtube hay mạng xã hội. Những câu thoại độc đáo trong chương trình cũng tạo thành xu hướng nhiều năm qua vẫn khiến khán giả ghi nhớ.
Nguồn:https://vtc.vn/nhung-dieu-ve-chuong-trinh-tao-quan-khong-phai-ai-cung-biet-ar845508.html