Nhằm khuyến khích phong trào sáng tác cho thiếu nhi, cổ vũ văn hóa đọc trong giới trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập thêm hạng mục giải thưởng “Văn học thiếu nhi”.
Giải thưởng ở hạng mục này năm 2022 được Hội Nhà văn Việt Nam trao cho truyện dài “Thung lũng Đồng Vang” (Nhà xuất bản Trẻ) của nhà văn Trung Sỹ. Đáng chú ý đây là tác phẩm đầu tiên của nhà văn viết về đề tài thiếu nhi.
Viết cho thiếu nhi chưa bao giờ là điều dễ dàng. Ai cũng biết như vậy. Tâm lý của lứa tuổi này luôn đặt người viết vào những thử thách nhập vai một cách tự nhiên, thuần thục, nếu không sẽ rơi vào gượng ép, giả tạo.
Bìa cuốn sách.
Xây dựng bối cảnh là một bản làng vùng cao, với cuộc sống sinh hoạt, học tập của những đứa trẻ người Tày, người Kinh cùng ông bà, cha mẹ, thầy cô, ruộng nương, đồng bãi, dòng sông, hang động, ngôi trường, đền miếu, cây cối, chim muông và các phong tục tập quán nơi xóm núi, Trung Sỹ bày tỏ một tấm lòng ưu ái với trẻ em.
Giọng văn hồn hậu, thoáng đãng có lẽ là điều người đọc sẽ cảm nhận được. Thế giới trẻ thơ vừa trong sáng, hồn nhiên, vừa tinh nghịch thậm chí là tinh quái đã hiện lên qua những mẩu chuyện mà tác giả kể lại. 31 mẩu chuyện là 31 bài học, nhẹ nhàng mà thú vị.
Chẳng hạn “Bài học về sự nảy mầm”, ngoài câu chuyện khoa học dễ hiểu, dễ nhớ đối với trẻ em còn mang thông điệp về lịch sử, tình yêu cuộc sống, bảo vệ sự sống-môi trường. Câu chuyện “Con khướu bạc má”, “Cái giá của tự do” lại đề cập đến một vấn đề khác, về tình yêu thương loài vật, đồng thời ẩn giấu bài học sâu sắc về thói quen, sự tự do.
Những câu chuyện giản dị, mang đầy ý nghĩa nhân văn được Trung Sỹ kể bằng lối viết gần gũi, không cao đàm khoát luận hay rao giảng giáo điều. Đó là thành công của “Thung lũng Đồng Vang”.
Tuy nhiên, những thử thách không phải lúc nào cũng được tác giả hoàn thành một cách thuần thục. Có những điểm cấn cá khiến người đọc phải dừng lại để suy xét về tính hợp lý của bối cảnh, sự kiện, lời nói và nhân vật. Tác giả đôi lúc đã mượn lời/mượn suy nghĩ của những đứa trẻ để bày tỏ quan niệm, suy nghĩ của mình. Những bài học, những cách nói, cách nghĩ vốn là kinh nghiệm của tác giả-một người từng trải, nhưng được đặt vào những đứa trẻ, làm kênh lên sự bất hợp lý, dẫu rằng lũ trẻ cũng đã lớp 6, lớp 7.
Ví như “Đôi khi Thụy leo tít lên ngọn ổi cao nhìn xuống cánh đồng lúa chiêm đã gặt xong. Cành ổi đu đưa, núi rừng đồng ruộng cũng đu đưa theo, chỉ bầu trời xanh thẳm là vẫn im phăng phắc. Những gì to lớn phi thường dường như chẳng bao giờ xáo động”.
Đây là suy tưởng của tác giả, không phải là ý nghĩ trong đầu một đứa trẻ lớp 6. Cùng với những chi tiết này, người đọc sẽ bắt gặp khá nhiều tri thức, lối nói (dù không phải xem thường trẻ em) dường như hơi vênh với đám trẻ nơi xóm núi (sự thăng hoa của tinh thần, sự ngưng tụ, sự biến đổi về chất, nói theo sách Tam quốc…). Xóm núi trong bối cảnh hiện đại cũng không xa lạ với smartphone, máy tính, internet, mạng xã hội, tài khoản cá nhân…
Dẫu vậy, vẫn có cảm giác những đứa trẻ hơi sách vở, “bị khôn” hơn bình thường, biết nhiều và cũng sành điệu không khác gì các bạn ở thành phố.
Dẫu còn một số chi tiết chưa được như mong đợi nhưng “Thung lũng Đồng Vang” đã mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi những câu chuyện bổ ích, gần gũi và ấm áp. Đó là bước đi đầy yêu mến, đưa Trung Sỹ đến với thế giới trẻ thơ.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/nhung-cau-chuyen-bo-ich-cho-thieu-nhi-737726