Chiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là Thông tư 39, trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính đặt vấn đề, cần xem lại cách tính lãi của Eximbank, bởi vì nếu tính theo quy định thì không thể ra con số 8,8 tỷ đồng.
Cách tính gộp có đúng?
Sự việc gây xôn xao dư luận khi một khách hàng có tên P.H.A tại Quảng Ninh nhận được thông báo của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) với số tiền nợ gần 9 tỷ đồng.
Cụ thể, theo thông báo, ông P.H.A có mở thẻ tín dụng tại Eximbank từ năm 2013, phát sinh dư nợ 8.554.625 đồng. Đến 30/10/2023, ngân hàng đã gửi thông báo về khoản nợ quá hạn toàn bộ đối với khoản vay này của ông với tổng số tiền phải thanh toán là 8.838.869.549 đồng, trong đó nợ lãi là 8.830.314.924 đồng.
Như vậy, nếu so với số tiền gốc lúc phát sinh dư nợ, số tiền lãi sau 11 năm lên tới hơn 1.000 lần.
Theo nội dung được cung cấp bởi Eximbank, khách hàng P.H.A . đã mở thẻ MasterCard tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức là 10 triệu đồng và đã có 2 giao dịch thanh toán vào ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ trên thẻ đã chuyển thành nợ xấu, và thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo đã gần 11 năm.
Eximbank cho biết, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, ông P.H.A vẫn chưa đưa ra phương án xử lý nợ.
Eximbank khẳng định, việc phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là một hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý và thu hồi nợ. Đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông P.H.A (người có tên trong “công văn nhắc nợ quá hạn” được gửi từ Eximbank) thì câu chuyện “nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng” lại có nhiều điểm khác.
Theo ông P.H.A, năm 2013, ông có nhờ nhân viên của ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh mở thẻ tín dụng, với hạn mức là 10 triệu đồng.
“Sau khi ký xong hợp đồng, nhân viên nói rằng mức lương của tôi thấp (hơn 3 triệu đồng/tháng) không đủ để mở thẻ tín dụng, nhưng bạn ấy nói sẽ xin sếp sau. Bẵng đi một thời gian, tôi vẫn nghĩ là mình không làm được thẻ, nhưng sau mới biết là thẻ đó vẫn làm được và bạn ấy đã rút tiền trong thẻ để tiêu xài. Sau đó tôi được biết bạn này đã nghỉ việc và đi nơi khác”, ông P.H.A thông tin.
Dù thông tin từ hai phía có nhiều điểm khác nhau nhưng câu chuyện này gây xôn xao dư luận vì số liền lãi quá “khủng” so với số tiền gốc lúc phát sinh dư nợ. Nhiều người băn khoăn liệu cách tính lãi của Eximbank có đúng?
Để tìm hiểu, chúng tôi đã nhờ chuyên viên của một ngân hàng tính toán. Chuyên viên này chia sẻ:
“Lãi suất thẻ tín dụng là lãi kép. Lãi của thẻ tín dụng tối thiểu là là 30%. Cứ 12 tháng, lãi sẽ nhập gốc 1 lần, dư nợ sẽ tăng lên và lãi suất cũng vì thế mà nhân lên theo. Chưa kể, thẻ tín dụng quá hạn sẽ phát sinh 1 loạt phí, các loại phí này lại mỗi năm lại nhập gốc, từ đó sẽ lãi mẹ đẻ lãi con”.
Một số chuyên gia tài chính khác khi được hỏi cũng cho rằng mức lãi suất từ nợ gốc 8,5 triệu đồng lên tới hơn 8,8 tỷ đồng nghĩa là ngân hàng đang tính lãi gộp. Theo công thức tính lãi gộp là năm sau sẽ cao gần gấp đôi năm trước.
“Tuy nhiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là Thông tư 39 thì nếu nợ quá hạn thì các ngân hàng tính lãi suất phạt tối đa bằng 150 lãi suất trong hạn, còn lãi suất chưa trả thì lãi suất tối đa là 10 phần trăm hiện tại lãi suất tính trên. Dư nợ trả chậm thẻ tín dụng trên thị trường là khoảng 40 phần trăm trên 1 năm. Như vậy cần xem lại cách tính lãi của Eximbank, bởi vì nếu tính theo quy định thì không thể ra con số 8,8 tỷ”, chuyên gia đặt vấn đề.
Thủ tục nhắc nợ có đúng?
Trong câu chuyện trên, ngoài lãi suất, cũng cho rằng cần xem lại thủ tục nhắc nợ của Eximbank. Theo thông tin ngân hàng này công bố, các thủ tục Eximbank đã thực thi để thu hồi khoản nợ của ông P.H.A như sau:
Ngày 16/9/2013: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã thông báo văn bản đến khách hàng về việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Ngày 12/12/2017: Khách hàng có văn bản khiếu nại về việc không nhận được thông báo việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Ngày 23/12/2017: Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản phúc đáp về nghĩa vụ thanh toán; đồng thời đề nghị ông P.H.A có phương án thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng.
Ngày 19/8/2021: Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) theo ủy thác đã trực tiếp làm việc, giải quyết khoản nợ đối với ông P.H.A.
Ngày 10/5/2022: Eximbank AMC tiếp tục có buổi gặp gỡ ông P.H.A để trao đổi, tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng xử lý nợ.
Ngày 8/11/2023: Eximbank AMC có Công văn số 2155/2023/EIBA/CV-TGĐ gửi ông P.H.A để thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán, phối hợp cùng ngân hàng xử lý khoản nợ nêu trên.
Nhìn vào các mốc thời gian, thì trong 11 năm, có tới 2 lần, chính Eximbank cũng “quên” không nhắc nợ khách hàng, mỗi lần 4 năm, tổng cộng tới 8 năm.
Trao đổi với báo chí, Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh Nguyễn Đức Hiển cho biết, đã có văn bản yêu cầu Eximbank chi nhánh tại địa phương báo cáo vụ việc bằng văn bản.
Theo ông Hiển, Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh hiện chưa có báo cáo trả lời về vụ việc vì còn phải chờ phía Hội sở của Eximbank tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ các thông tin liên quan.
“Tất cả mọi hoạt động đều phải tuân thủ pháp luật, cả khách hàng hay phía ngân hàng bên nào sai thì bên đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” – ông Hiển khẳng định.
Trước sự quan tâm của dư luận, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, với trường hợp khách hàng P.H.A chia sẻ không nhận được thẻ tín dụng, không sử dụng thẻ mà vẫn phát sinh dư nợ, cần cơ quan Công an vào cuộc điều tra, có hay không việc phát hành thẻ khống. Thanh tra NHNN chi nhánh Quảng Ninh đã yêu cầu Eximbank chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo về sự việc.
Cùng quan điểm, theo chuyên gia tài chính – kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, để biết bên nào đúng, bên nào sai và số nợ vài triệu đồng hóa thành hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm có chính xác hay không thì cần phải kiểm tra rõ thông tin từ hồ sơ, hợp đồng giữa hai bên.