Ông Hoàng Văn Vững chăm sóc đàn lợn
– Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, ông Hoàng Văn Vững, thôn Nà Pất, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng đã đầu tư phát triển kinh tế từ mô hình tổng hợp. Hướng đi này đã giúp gia đình ông tăng thu nhập, là hộ điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Ông Vững sinh năm 1974 trong một gia đình thuần nông, trước đây, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào trồng lúa, các loại hoa màu và khai thác nhựa thông, thu nhập không ổn định. Do đó, ông luôn trăn trở tìm hiểu thêm các mô hình chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Năm 2021, từ nguồn vốn của gia đình và nguồn vốn vay từ chính sách phát triển nông nghiệp là 250 triệu đồng, ông đầu tư xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống máy sưởi, hầm biogas… thực hiện mô hình chăn nuôi lợn.
Ông Vững cho biết: Thời điểm ấy, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn xảy ra rải rác trên địa bàn, tôi cũng rất lo lắng về rủi ro khi bắt tay vào chăn nuôi lợn. Do vậy, trước khi thực hiện, tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm tòi, nghiên cứu học hỏi các kiến thức về xây dựng mô hình trên mạng internet, sách, báo, xem các chương trình nông nghiệp trên truyền hình và tham khảo kinh nghiệm các hộ chăn nuôi khác để áp dụng vào thực tế. Theo đó, tôi đầu tư nuôi 3 con lợn nái để chủ động nguồn giống, giúp đàn lợn hạn chế được dịch bệnh khi mua lợn giống từ bên ngoài. Cùng với đó, hằng ngày, tôi đều vệ sinh chuồng trại, khu vực chăn nuôi, đảm bảo chuồng nuôi, nguồn thức ăn sạch sẽ, tăng cường khả năng đề kháng cho đàn lợn. Đặc biệt, phải tuân thủ các biện pháp tiêm phòng đầy đủ để phòng, chống dịch bệnh.
Nhờ đó, đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, ông xuất bán 2 lứa lợn, mỗi lứa 40 con, thu được 160 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ngoài ra, nhận thấy trên địa bàn người dân trồng nhiều ớt, tuy nhiên, không phải hộ nào cũng có đầu ra ổn định, ông đã làm đầu mối thu mua ớt cho người dân. Trung bình mỗi năm, ông thu mua trên 30 tấn ớt. Cùng với đó, ông chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng ớt với diện tích 6 sào, mỗi năm thu nhập đạt 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ông còn đầu tư sản xuất rượu với mục đích vừa tăng thu nhập vừa có nguồn bỗng rượu làm thức ăn chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi tháng, ông nấu và xuất ra thị trường khoảng 900 lít rượu.
Nhờ phát triển kinh tế hiệu quả từ mô hình tổng hợp trên, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Do vậy, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Vững được đánh giá là mô hình tiêu biểu ở xã. Không chỉ phát triển kinh tế, trong những cuộc họp thôn, xã, ông đều nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi, cách chăm sóc phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi cho các hộ dân trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Phách, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng nhận xét: Ông Hoàng Văn Vững là nông dân điển hình ở xã trong phát triển mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Ông nhanh nhẹn, dám nghĩ dám làm, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi và biết kết hợp phát triển mô hình kinh tế đa dạng. Hơn nữa, ông luôn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân.
Với những nỗ lực đó, tháng 11/2023, ông Vững được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2023.