Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các Cơ quan đại diện Việt Nam sẽ là cầu nối tư vấn, cập nhật thông tin về đối tác, chính sách tại các quốc gia từ đó mở rộng xuất khẩu, vững bước tại trường quốc tế.
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài với các doanh nghiệp, hiệp hội, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức chiều ngày 12/11, đã khẳng định vai trò quan trọng của các Cơ quan đại diện như cầu nối vững chắc, hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt hội nhập và cạnh tranh trên trường quốc tế.
Sức mạnh của ngoại giao kinh tế
Tại đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ Ngoại giao và các Đại sứ, Tổng Lãnh sự đối với hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông khẳng định Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân, xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học-công nghệ giữa doanh nghiệp nội địa với đối tác nước ngoài.
Theo ông Phòng, trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới trong đầu tư và chuyển giao công nghệ. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các Cơ quan đại diện Việt Nam sẽ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ để có thể vững bước ra thị trường toàn cầu.
“Cộng đồng doanh nghiệp mong đợi các cơ quan đại diện Việt Nam là cầu nối tư vấn, tiếp sức cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua trên trường quốc tế. Mỗi Đại sứ, Tổng Lãnh sự với những nghiên cứu sâu sắc về chính sách kinh tế của nước sở tại, sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, dự báo xu hướng kinh doanh và xác định thị trường,” ông Phòng nói.
Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, lãnh đạo VCCI nhấn mạnh với phương châm ngoại giao kinh tế, bên cạnh sứ mệnh chính trị, các Đại sứ, Tổng Lãnh sự có vị trí vô cùng quan trọng trong công tác quảng bá về môi trường kinh doanh, tiềm năng và các sản phẩm dịch vụ thế mạnh của Việt Nam. Đây sẽ là kênh cung cấp thông tin với độ tin cậy cao về thị trường, cũng như văn hóa, tập quán kinh doanh của các nước sở tại. Theo đó, Cơ quan đại diện Việt Nam cần thúc đẩy kết nối, giới thiệu các đối tác tiềm năng và uy tín của các nước để giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, thu hút đầu tư.
Đặc biệt, ông Phòng đề cập đến hoạt động hỗ trợ trong dự báo tình hình kinh tế, xã hội các địa bàn và hỗ trợ trong xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và ở nước ngoài.
“Có thể nói, sự hội nhập phát triển kinh tế, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể có được kết quả như ngày hôm nay nếu không có sự giúp đỡ và mở đường của Bộ Ngoại giao cùng các Đại sứ, Tổng Lãnh sự và Trưởng các Cơ quan đại điện,” ông Phòng nói.
Sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Đáp lại những mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định các Cơ quan Ngoại giao sẵn sàng tiếp nhận nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc kết nối, cung cấp các thông tin thị trường.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý về những biến động địa chính trị, kinh tế toàn cầu, xu hướng bảo hộ thương mại đặt ra những yêu cầu cao hơn về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, linh hoạt thích ứng.
Trong buổi tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đánh giá cao nỗ lực thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam và cam kết Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác ngoại giao kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
“Xuyên suốt trong công tác của Ngành ngoại giao sẽ là sự song hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam,” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ về những thành tựu xuất khẩu và chiến lược phát triển, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết đang có khoảng 3 triệu lao động với kim ngạch xuất khẩu dự kiến riêng năm 2024 sẽ đạt khoảng 44 tỷ USD. Với Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam, toàn ngành đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh ngạch xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 68-70 tỷ USD.
Để cụ thể hóa tham vọng trên, ông Cẩm cho rằng sự hỗ trợ của các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đóng một vai trò hết sức quan trọng. Cùng với đó, ông đã nêu lên những khó khăn về nguyên phụ liệu (đặc biệt là nguồn nguyên liệu vải) và sự thiếu thông tin cập nhật về những biến đổi của thị trường, tình hình hoạt động kinh doanh các đối tác bán lẻ quốc tế cũng như sự thay đổi về chính sách, pháp luật của các nước sở tại. Trên cơ sở đó, ông Cẩm đề xuất được hỗ trợ giới thiệu đối tác đủ lớn, đảm bảo tiềm năng hợp tác với ngành đầu tư vào các khu công nghiệp dệt may, để sản xuất nguyên vật liệu cũng như đầu tư xanh hóa tại Việt Nam.
Minh chứng về tầm quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế đối với doanh nghiệp tại thị trường quốc tế, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc tổ chức các hội nghị giao thương quốc tế. Với uy tín và vị thế, các Đại sứ đã giúp doanh nghiệp tiếp cận được đối tác lớn và mở rộng thị trường ra các địa bàn tiềm năng. Đặc biệt, ông Tuấn chia sẻ các Đại sứ cũng hỗ trợ công ty liên hệ cơ quan chức năng của nước sở tại giúp xử lý và ngăn chặn những thiệt hại và rủi ro khi bị các đối tượng nước ngoài lừa đảo trong lĩnh vực công nghệ cao.
Bên cạnh đó, đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong hợp tác vận tải quốc tế và mong muốn được hỗ trợ về chính sách, thủ tục hành chính. Ngoài ra, ông Trần Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics cũng đề xuất xây dựng hành lang thương mại vận tải trên nền tảng số, kết nối các tổ chức quốc tế, chia sẻ dữ liệu và kinh nghiệm.
Tại tọa đàm này, chia sẻ các tiềm năng về hợp tác xanh, bà Nguyễn Lê Thanh, Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch, chỉ ra những cơ hội kết nối kinh doanh giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng… Bà Thanh nhấn mạnh Đan Mạch là minh chứng rất rõ nét cho câu chuyện thị trường, kinh tế cần đi đôi giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải.
Bên cạnh những thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, bà Trần Thị Thu Thìn, Đại sứ Việt Nam tại Mozambique, kiêm nhiệm 14 nước châu Phi, đã giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp về tiềm năng xuất khẩu thực phẩm Halal của Việt Nam vào thị trường Trung Đông và châu Phi./.
Nguồn: https://baolangson.vn/ngoai-giao-kinh-te-don-bay-dua-doanh-nghiep-viet-buoc-ra-truong-quoc-te-5028344.html