Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, phụ nữ là lực lượng đông đảo của cách mạng. Vì vậy, trong bản Di chúc sửa năm 1968, Người căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo”… Tại Bắc Kạn, công tác này luôn được quan tâm, bảo đảm cơ cấu cán bộ, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong hệ thống chính trị.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm Ma Thị Mận (đeo kính) dự Ngày hội đại đoàn kết tại khu dân cư thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố. (Ảnh Lường Loan) |
Bắc Kạn hiện có tỷ lệ cán bộ nữ khá đông đảo vì vậy cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền cũng tăng dần. Có được kết quả đó là nhờ công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ nữ luôn được Tỉnh ủy Bắc Kạn quan tâm. Hơn hết, phần lớn cán bộ nữ khi tham chính đều chứng tỏ được năng lực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương còn nhiều khó khăn này.
Thôn Thôm Khoan, xã Cao Sơn, huyện Bạch Thông vào một ngày trung tuần tháng 11, trời rét, gió lạnh, sương mù mịt. Ngay từ sáng sớm, nữ Bí thư Huyện ủy Bạch Thông Đỗ Thị Hiền đã có mặt tại thôn để động viên, cùng người dân xây hàng rào đá, làm đẹp đường thôn.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Văn Chức, đây là lần đầu, người dân Thôm Khoan cùng chung sức thực hiện việc này. Không chỉ xây hàng rào đá, hàng chục chuồng trại chăn nuôi vốn để sát nhà gây ô nhiễm nay cũng đã được di dời ra xa. Nhân dân phấn khởi, đồng lòng thay đổi tập quán chăn nuôi vốn đã ăn sâu, bám rễ cũng là nhờ sự quyết liệt chỉ đạo và quan tâm của Huyện ủy, nhất là nữ Bí thư Huyện ủy.
Từ khi được luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Bạch Thông, chị Đỗ Thị Hiền đã có nhiều trăn trở, sáng tạo, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Chị thường xuyên xuống cơ sở, thôn, bản để nắm tình hình phục vụ công tác lãnh đạo. Nhiều nhiệm vụ khó, quan trọng, sát thực tiễn đã được chị Hiền đưa ra Ban Thường vụ, Ban Chấp hành bàn bạc, triển khai như: Ban hành nghị quyết về phát triển cây ăn quả; khảo sát xây dựng đề án phát triển du lịch; thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới…
Từ vị trí Phó Bí thư Tỉnh đoàn, tháng 5/2023, chị Ma Thị Mận được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm, huyện khó khăn bậc nhất của Bắc Kạn. Xa gia đình trong khi con còn nhỏ nhưng chị Mận đã nỗ lực sắp xếp để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tổ chức phân công. Chị chia sẻ, đi làm xa nhà sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện thiên chức người mẹ, người vợ trong gia đình. Ngoài ra, công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng nhiều thử thách, vất vả. Tuy nhiên, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội để chị được rèn luyện bản thân, thử thách sức trẻ và lòng nhiệt huyết với một địa phương còn nhiều khó khăn như huyện Pác Nặm.
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác phụ nữ, nhất là phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác cán bộ phụ nữ. Tỉnh chỉ đạo các cấp ủy căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề ra những chỉ tiêu phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho hội liên hiệp phụ nữ các cấp có điều kiện hoạt động tốt nhất.
Theo thống kê, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 ở cấp xã chiếm 23,93%; tham gia cấp ủy cấp huyện chiếm 22,06%; tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 21,27%. Tỷ lệ nữ là đại biểu: Quốc hội là 50%; Hội đồng nhân dân tỉnh đạt 50%; Hội đồng nhân dân huyện 28,6% và Hội đồng nhân dân xã 26,9%.
Nhiều cán bộ nữ của Bắc Kạn hiện giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt diện Trung ương quản lý, như: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Nhiều đơn vị trọng yếu của Bắc Kạn có giám đốc là nữ như: Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ cán bộ tham chính ở các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, đối với cấp ủy, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tăng 7,27%; tham gia Ban Thường vụ cấp tỉnh tăng 13,33%; tham gia cấp ủy cấp huyện tăng 2,93%; tham gia Ban Thường vụ cấp huyện tăng 2,47%.
Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tăng 10%; tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện tăng 1,41%. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo sở, ngành cấp tỉnh tăng 1,41%; tham gia lãnh đạo phòng, ban cấp huyện tăng 3,1%. Tỷ lệ số sở, ngành thuộc hệ thống chính trị tỉnh có tỷ lệ cán bộ nữ từ 30% trở lên, có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ tăng 20,45%.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Thanh, tỷ lệ cán bộ nữ tham chính của Bắc Kạn thuộc diện cao trong cả nước. Tuy nhiên, định kiến về giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ đâu đó vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, việc xây dựng và thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ còn hạn chế; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia, được quy hoạch cấp ủy, đảm nhiệm chức danh lãnh đạo chủ chốt trong một số cơ quan, địa phương chưa cao. Một số ít cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác bình đẳng giới.
Để khắc phục những hạn chế này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh kiến nghị Trung ương tổ chức thêm nhiều dự án, các lớp tập huấn cho tỉnh để nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính; đề nghị tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Thanh đề xuất: “Cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành ở từng cấp cần tiếp tục coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhất là cho nhiệm kỳ của đảng bộ và hội đồng nhân dân các cấp sắp tới. Đây là điều quan trọng, cần được quan tâm để tránh tình trạng không chuẩn bị kịp nhân sự cho đại hội”.
Đặc biệt quan tâm đến cán bộ, nhất là cán bộ nữ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Đề án 04-ĐA/TU ngày 12/8/2022 về tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo các sở, ban, ngành và tương đương đến năm 2025 đạt 25% trở lên, đến năm 2030 đạt 30% trở lên. Tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ giữ chức vụ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2025 đạt 40% và duy trì tỷ lệ này trong những năm tiếp theo. Mỗi cấp ủy từ xã, phường, thị trấn trở lên chuẩn bị ít nhất từ 20-30% nhân sự là cán bộ nữ để giới thiệu tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030. Phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy mỗi cấp nhiệm kỳ 2025-2030 đạt từ 20% trở lên và có cán bộ nữ tham gia ban thường vụ cấp ủy các cấp…
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn, dự báo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý đầu nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ có 3.234 cán bộ trẻ, trong đó, có hơn 21% là nam và hơn 78% là nữ. Số dự báo nguồn cán bộ trẻ này đến năm 2025 sẽ có độ tuổi dưới 40. Số cán bộ trẻ là nữ cao hơn so với nam sẽ là điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham chính trong thời gian tới. Tuy nhiên, nâng số lượng phải đi đôi với chất lượng cũng là điều cần được Bắc Kạn quan tâm để công tác này đạt hiệu quả bền vững, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này.