– Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch, nộp thuế, phí… Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Bám sát mục tiêu và nhiệm vụ Kế hoạch số 100 ngày 28/4/2022 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 1813 ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ người trưởng thành trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; triển khai chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua tài khoản ngân hàng như: miễn, giảm phí mở tài khoản và phí sử dụng các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng giao dịch trực tuyến; không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu khi mở tài khoản… Chúng tôi cũng tích cực triển khai các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức hội nghị tuyên truyền; tăng cường hướng dẫn thanh toán qua thẻ; quảng bá dịch vụ để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ tính năng hiện đại của sản phẩm thẻ…
Để phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tích cực đầu tư, ứng dụng công nghệ mới để phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ thanh toán; đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như QRCode, thanh toán di động (Moblie Payment), thanh toán không tiếp xúc (Contactless), ví điện tử… Đồng thời thường xuyên cập nhật, tăng cường bảo mật, an ninh mạng nhằm bảo đảm an toàn thông tin, tài sản của khách hàng.
Đến trung tuần tháng 8/2024, toàn tỉnh đã phát hành được trên 309.000 thẻ thanh toán không dùng tiền mặt; doanh số thanh toán qua thẻ đạt 2.702 tỷ đồng; trên 90% điểm kinh doanh cố định có dịch vụ thanh toán điện tử qua mã QR Code; 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khai báo hóa đơn điện tử.
Tỷ lệ người trên 16 tuổi trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt khoảng 72%, vượt trên 20% chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025.
|
Để nâng cao tỷ lệ người dân có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, các ngân hàng chủ động phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn triển khai thực hiện thu các loại thuế, phí, học phí, viện phí… qua tài khoản ngân hàng; phối hợp thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử; thu – nộp thuế điện tử; thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong thanh toán viện phí, bảo hiểm, chi trả trợ cấp, an sinh xã hội, trả tiền điện, nước… thông qua tài khoản ngân hàng.
Các ngân hàng khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử, hỗ trợ khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm nâng cao tỷ lệ người dân có tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Tiêu biểu như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Quân đội (MB bank) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh để thực hiện ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu thông qua các điểm giao dịch của Bưu điện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa…
Bà Đinh Thị Hồng Giang, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với Công ty Điện lực Lạng Sơn mở tài khoản, thẻ cho khách thanh toán tiền điện qua tài khoản; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thành lập tổ vay vốn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ miễn phí; phối hợp với Chi cục Kiểm Lâm tỉnh mở tài khoản và phát hành thẻ phục vụ trả tiền phí dịch vụ môi trường rừng thông qua tài khoản; phối hợp với các trường học mở thẻ thanh toán không dùng tiền mặt cho phụ huynh và học sinh từ 14 tuổi trở lên; miễn phí phát hành thẻ ATM với hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo, lãi suất ưu đãi cho khách hàng khu vực nông thôn, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Khách hàng có thể sử dụng thẻ thấu chi để thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, mua hàng tại các cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản…
Nhận thấy những lợi ích của việc có tài khoản giao dịch tại ngân hàng cũng như sự tiện lợi khi thanh toán không dùng tiền mặt, người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động mở tài khoản giao dịch tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Chị Hoàng Kim Tuyến, chủ nhà nghỉ Tuyến Quốc, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Hầu hết khách đến nghỉ đều yêu cầu chuyển khoản nên tôi đã đề nghị và được ngân hàng cấp mã QR code cũng như hướng dẫn mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng để phục vụ công việc. Với tài khoản ngân hàng được cấp tôi sử dụng để khách chuyển tiền vào cũng như thanh toán các khoản phí trong sinh hoạt và kinh doanh như tiền điện, nước, thuế… Tôi thấy việc có tài khoản giao dịch tại ngân hàng không chỉ giúp việc thanh toán, giao dịch được tiện lợi, nhanh chóng và còn giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến trung tuần tháng 8/2024, toàn tỉnh đã phát hành được trên 309.000 thẻ thanh toán không dùng tiền mặt; doanh số thanh toán qua thẻ đạt 2.702 tỷ đồng; trên 90% điểm kinh doanh cố định có dịch vụ thanh toán điện tử qua mã QR Code; 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khai báo hóa đơn điện tử.
Tỷ lệ người trên 16 tuổi trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng đạt khoảng 72%, vượt trên 20% chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025.
Mạng lưới POS (thanh toán bằng thẻ) và CDM (rút, nộp tiền trực tiếp tại cây ATM) của hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn được lắp đặt theo hướng mở rộng đối tượng phục vụ với 445 máy POS và 9 máy CDM được lắp đặt tại tất cả các huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu thanh toán và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Nhờ có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, người dân có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, điều này góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, nâng cao chất lượng các hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: https://baolangson.vn/nhieu-giai-phap-nang-cao-ty-le-nguoi-dan-co-tai-khoan-giao-dich-tai-ngan-hang-5018618.html