Đấu thầu là lĩnh vực quan trọng đối với nhiều nhà đầu tư. Ngày 17/7 vừa qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã chính thức công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp lần thứ 5.
Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ có hiệu lực thay thế cho Luật Đấu thầu hiện hành từ ngày 01/01/2024. Theo Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật này có 10 Chương, 96 Điều, có các điểm mới được bổ sung như sau:
Đấu thầu là một trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế thời kỳ hội nhập (Ảnh chụp màn hình)
Về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật.
Luật này về cơ bản duy trì phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2013, nhưng có 03 nội dung mới như sau:
Thứ nhất, Luật đã bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, ngoài doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật đã bổ sung đối tượng doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thứ hai, Luật đã xác định rõ phạm điều chỉnh đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm: (i) dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; (ii) dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
Thứ ba, Luật đã quy định cụ thể mối quan hệ cũng như nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu, pháp luật có liên quan, điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Đồng thời, Luật đã bổ sung một số quy định nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; hoạt động lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí theo hợp đồng dầu khí và một số hoạt động mua sắm có tính đặc thù khác…
Về các hình thức lựa chọn nhà thầu
Những nội dung mới chủ yếu trong các quy định về vấn đề này gồm:
Một là, bổ sung một số trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, quan trọng, cấp bách, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu đối với một số trường hợp đặc thù khác.
Hai là, phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ba là, luật hóa quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời Luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu hiện đang được quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Về lựa chọn nhà đầu tư
Các quy định về lựa chọn nhà đầu tư tại Luật này đã được hoàn thiện theo hướng:
Thứ nhất, bổ sung quy định về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư; hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư; ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư… trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện quy định của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các luật có liên quan.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đề xuất tốt nhất về kỹ thuật, xã hội, môi trường và hiệu quả sử dụng đất, đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực.
Về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu
Một là, Luật đã quy định chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hàng hóa có xuất xứ trong nước, sản phẩm đổi mới, sáng tạo, giúp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm này có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận thị trường.
Hai là, các đối tượng này sẽ được cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu để so sánh, xếp hạng, được ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu. Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc thực hiện các chính sách ưu đãi nêu trên.
Về hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế
Ngoài các quy định chung, Luật này đã dành một Chương riêng để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế theo hướng:
Thứ nhất, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế như: Giao cho các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua thuốc ngoài danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; cho phép cơ sở y tế công lập được quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Thứ hai, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế như: Cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; áp dụng mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít; cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ thiết bị y tế từ một nhóm quốc gia cụ thể để mua được thiết bị có chất lượng tốt; cho phép áp dụng đàm phán giá đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 01 hoặc 02 hãng sản xuất.
Thứ ba, giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua, như: bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó (“mô hình máy đặt, máy mượn”); hoàn thiện quy định về ưu đãi cho thuốc sản xuất trong nước theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh trong việc tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ, nguyên liệu để sản xuất thuốc đáp ứng chất lượng, tiêu chuẩn tiên tiến; quy định về thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Không ngừng hoàn thiện chính sách pháp luật đấu thầu thời kỳ mới (Ảnh: PV)
Về quy trình, thủ tục đấu thầuLuật đã cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu theo hướng:
Một là, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng nhằm tăng cường tính công khai minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu.
Hai là, cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian; bổ sung quy định cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu. Chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu, đồng thời quy định thời gian tối đa để người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải các thông tin trong đấu thầu.
Ba là, bổ sung quy định về kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các Cổng thông tin điện tử, Hệ thống khác nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ dự thầu của nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu của chủ đầu tư.
Về hồ sơ mời thầu, phương pháp, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu
Nhằm góp phần khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, Luật đã quy định theo hướng:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, hạn chế tình trạng gian lận, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế.
Thứ hai, bổ sung quy định về nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về phương pháp xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thứ tư, bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.
Về hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu
Luật đã hoàn thiện quy định về hợp đồng theo hướng:
Một là, bổ sung, hoàn thiện quy định về loại hợp đồng với nhà thầu; bãi bỏ quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản.
Hai là, bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện hợp đồng và các trường hợp, điều kiện sửa đổi hợp đồng. Theo đó, các bên không phải ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng đối với các nội dung đã được quy định trong hợp đồng khi đáp ứng các điều kiện về giá gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng, phương pháp, công thức, hạng mục và các nội dung cần thiết.
Về quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu thầu, một số quy định của Luật đã được hoàn thiện theo hướng:
Thứ nhất, bổ sung, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; đồng thời hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về các hành vi bị cấm, trong đó bổ sung một số hành vi như thông thầu, gian lận, can thiệp trái phép vào hoạt động đấu thầu, cản trở hoạt động đấu thầu… để làm cơ sở xử lý các hành vi vi phạm về đấu thầu xảy ra trong thực tế.
Có thể thấy, với những điểm mới được hoàn thiện, bổ sung, tin tưởng và hy vọng rằng, lĩnh vực đấu thầu trong thực tế sẽ triển khai đáp ứng pháp lý phù hợp với thực tế trong nước và thông lệ quốc tế./.
Nguồn:https://dangcongsan.vn/kinh-te/mot-so-diem-moi-cua-luat-dau-thau-2023-643951.html