Với 14 tập, bộ sách “Lịch sử Quân sự Việt Nam” được xem như bộ sử lớn đương đại, dựng lại lịch sử quân sự vĩ đại của dân tộc ta trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách “Lịch sử Quân sự Việt Nam” của Viện Lịch sử Quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.
Bộ sách là kết quả của quá trình 20 năm tiến hành nghiên cứu, biên soạn với sự hợp tác tích cực của các cơ quan, các nhà nghiên cứu hàng đầu của giới sử học nước nhà và sự nỗ lực của tập thể cán bộ nghiên cứu của Viện Lịch sử Quân sự.
Đây được xem như bộ sử lớn đương đại, dựng lại toàn bộ hoạt động quân sự của dân tộc trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, kể cả những cố gắng mở nước của cha ông và các cuộc nội chiến từ thời Hùng Vương – An Dương Vương cho đến ngày nay.
Bộ sách gồm 14 tập, với những nội dung chủ yếu mỗi tập như sau:
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 1: Buổi đầu giữ nước. Thời Hùng Vương – An Dương Vương, đề cập những hoạt động quân sự của người Việt cổ trong giai đoạn đầu của lịch sử quân sự Việt Nam: giai đoạn Hùng Vương – An Dương Vương.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 2: Đấu tranh giành độc lập tự chủ (từ năm 179 tr.CN đến năm 938), là lịch sử quân sự dân tộc giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, kể từ sau thất bại của An Dương Vương đến chiến thắng Bạch Đằng (938).
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 3: Thời Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý (939-1225), đề cập toàn bộ nội dung lịch sử quân sự giai đoạn đầu thời kỳ độc lập, thế kỷ X – XII, từ thời Ngô đến thời Lý; trong đó có sự nghiệp dẹp loạn của vua Đinh và lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Tống do Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt lãnh đạo.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 4: Hoạt động quân sự thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), là lịch sử quân sự trong một giai đoạn oanh liệt của dân tộc với kế sách giữ nước tiến bộ, những thành tựu trên lĩnh vực quân sự, những chiến công oai hùng của nhân dân ta trong ba lần kháng chiến chống Nguyên – Mông và những tư tưởng quân sự trong giai đoạn lịch sử này.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 5: Hoạt động quân sự thời Hồ – Lê Sơ (thế kỷ XV), đề cập toàn bộ lịch sử quân sự dân tộc từ thời Hồ đến Lê Sơ (thế kỷ XV), trong đó có lịch sử cuộc kháng chiến chống Minh thời Hồ, khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, về những vấn đề quốc phòng – quân sự giai đoạn Lê Sơ.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 6: Hoạt động quân sự từ năm 1527 đến năm 1771), là lịch sử quân sự dân tộc trong gần ba thế kỷ từ đầu thế kỷ XVI đến trước cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, bao gồm những hoạt động quân sự trong giai đoạn xuất hiện các phe phái phong kiến với những cuộc chiến tranh giành quyền lực và khởi nghĩa nông dân chống phong kiến ở nước ta.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 7: Hoạt động quân sự thời Tây Sơn (1771-1802), thể hiện toàn bộ sự nghiệp quân sự của Tây Sơn-Nguyễn Huệ trong quá trình đánh tan thù trong giặc ngoài, bao gồm cả phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và hai cuộc kháng chiến chống Xiêm (1784-1785) và chống Thanh (1788-1789).
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 8: Hoạt động quân sự từ năm 1802 đến năm 1896, giải trình lịch sử quân sự giai đoạn từ đầu thế kỷ XIX đến 1896, tức từ khi triều Nguyễn thành lập đến khi phong trào Cần Vương thất bại. Lịch sử quân sự giai đoạn này bao gồm những hoạt động quân sự dưới triều Nguyễn và phong trào chống thực dân Pháp xâm lược trong nửa cuối thế kỷ XIX ở Việt Nam.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 9: Hoạt động quân sự từ năm 1897 đến Cách mạng Tháng Tám 1945, bao gồm những hoạt động quân sự của dân tộc trong giai đoạn từ khi thực dân Pháp bắt đầu tiến hành khai thác thuộc địa ở nước ta (1897) đến Cách mạng tháng Tám 1945, trong đó gồm những phong trào chống đế quốc và phong kiến, sự xuất hiện tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, quá trình xây dựng lực lượng và đấu tranh vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tiến tới thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 10: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), gồm lịch sử quân sự từ sau Cách mạng tháng Tám, giai đoạn cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), trong đó gồm tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối quân sự của Đảng về tiến hành chiến tranh nhân dân chống xâm lược, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bước trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam, các giai đoạn phát triển và nghệ thuật quân sự trong kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 11: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), thể hiện nguồn gốc, tiến trình của cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam, những chiến công oanh liệt của quân và dân ta, nguyên nhân thắng lợi và bài học lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 12: Những nhân tố hợp thành sức mạnh Việt Nam thắng Mỹ. Từ diễn biến của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập 12 sẽ đúc kết, lý giải những vấn đề quân sự nổi bật, như quá trình xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, vấn đề binh khí – kỹ thuật quân sự, xây dựng hậu phương chiến tranh, tư tưởng, đường lối quân sự, phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong giai đoạn này.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 13: Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-2000), gồm những hoạt động quân sự của quân và dân ta từ sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến năm 2000, trong đó có cả cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, một số vấn đề quốc phòng – an ninh và quá trình xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp đổi mới cùng những hoạt động quân sự nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tập 14: Tổng luận. Từ thực tiễn hoạt động quân sự của dân tộc ta từ xưa đến nay đúc kết những đặc trưng lớn của lịch sử quân sự Việt Nam trên tất cả lĩnh vực tổ chức và hoạt động quân sự, rút ra những quy luật của lịch sử quân sự, những quan điểm và tư tưởng quân sự, những bài học (kể cả những bài học thành công và bài học thất bại), những cơ sở và cội nguồn của sức mạnh quân sự Việt Nam trong lịch sử khởi nghĩa chiến tranh chống xâm lược.
Để tái hiện tiến trình lịch sử trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước là không hề đơn giản, nhưng với tinh thần tôn trọng sự thật và ý thức trách nhiệm đối với lịch sử, tập thể tác giả đã phản ánh tương đối toàn diện, sâu sắc toàn bộ hoạt động quân sự của dân tộc.
Đồng thời, làm nổi bật một số sự kiện trọng yếu, đánh giá những ưu, nhược điểm chính, phân tích làm rõ nguồn gốc chiến tranh, nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm, những thành công, cũng như chưa thành công qua từng giai đoạn của lịch sử nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ và có cái nhìn đúng đắn, khoa học về lịch sử hào hùng của dân tộc ta.
Nguồn: https://baolangson.vn/lich-su-quan-su-viet-nam-pho-su-vang-ve-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-5027170.html