Khác với hầu hết các làng quê Việt Nam thường xem Tết Nguyên đán là tết lớn nhất trong năm, ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình thì Tết Độc lập mới là tết được tổ chức lớn nhất hằng năm.
Vào cuối tháng 8 dương lịch hằng năm, những người con Lệ Thủy, Quảng Bình ở mọi miền đất nước hay ở nước ngoài thường về quê hương đón Tết Độc lập. Hàng chục năm qua, người dân quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn nhắc nhở nhau “Dù ai đi đâu về đâu/Mồng 2/9 cũng mong về nhà/Về xem lễ hội quê ta/Dưới sông bơi chải nhà nhà cờ bay…”. Nhiều lễ hội độc đáo, những nghi thức văn hóa tâm linh, báo công, báo hiếu với gia tộc tổ tiên, giáo dục truyền thống cách mạng được người dân tổ chức vào dịp này.
Trong những ngày nghỉ đón Tết Độc lập, vùng quê lúa Lệ Thủy, Quảng Bình luôn tấp nập đón con em quê hương và du khách tìm đến để trải nghiệm nơi đón Tết Độc lập lớn nhất cả nước. Có năm lễ hội mừng tết nơi đây đã thu hút hàng chục vạn người tham gia, nhiều ngả đường bị tắc, nhiều người phải mất hàng chục tiếng đồng hồ mới rời khỏi được lễ hội, nhưng ai cũng vui mừng, phấn khởi được trải nghiệm một cái tết độc đáo trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trước Tết Độc lập ít ngày, người dân ở Lệ Thủy, Quảng Bình thường quét dọn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, tinh tươm để đón con em và du khách ở xa. Nhà nhà đều treo cờ đỏ sao vàng tung bay trước hiên nhà. Từ sáng sớm tinh mơ ngày 2/9, những mẹ, những chị dậy từ lúc gà vừa gáy dứt canh năm để sửa soạn mâm cỗ cúng ngày lễ tết. Nhiều nhà đồ xôi nếp mới, làm gà, mua sắm mâm hoa quả đặt lên bàn thờ, thắp nhang tưởng nhớ công ơn trời biển của Bác Hồ và các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh để đất nước có ngày Tết Độc lập, bày tỏ lòng biết ơn công lao của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Đến Lệ Thuỷ, Quảng Bình, chúng tôi được nhiều người dân nơi đây nhắc đến hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những lần ông về thăm quê. Trước đây, khi còn sống mỗi dịp ngày 2/9, Đại tướng đều sắp xếp để về ăn Tết Độc lập với bà con quê hương, năm nào bận việc nước, hay sau sức khoẻ già yếu, Đại tướng không về được thì gia đình Đại tướng về.
Còn nhớ, mỗi lần về thăm quê, khi xe đến đầu làng, Đại tướng thường nói lái xe cho ông xuống đi bộ, Đại tướng ôm hôn người già, xoa đầu con trẻ, bắt tay mọi người rồi ân cần thăm hỏi từng gia đình bà con lối xóm; căn dặn mọi người sống hòa thuận, chăm chỉ làm ăn, gắng sức xây dựng quê hương giàu đẹp. Người làng An Xá bảo: Trải qua bao năm tháng sống xa quê lo việc nước nhưng khi còn sống Đại tướng vẫn nhớ như in những kỷ niệm tuổi thơ bên dòng Kiến Giang.
Về thăm quê hương Lệ Thủy, nơi đầu tiên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến là Nghĩa trang liệt sĩ huyện, để thắp hương cho người cha kính yêu của mình – liệt sĩ Võ Quang Nghiêm và những chiến sĩ của ông đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Rồi Đại tướng đến thắp hương trên mộ mẹ và những người thân đã khuất ở nghĩa trang gia đình. Sau đó, về bên ngôi nhà nhỏ, Đại tướng kính cẩn thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Ông hỏi thăm những người bạn thuở thiếu thời xem ai còn ai mất, bắt tay, ôm hôn từng người bà con, làng xóm. Ra vườn, Đại tướng tự tay tưới cây, tỉa cành…
Nhiều hoạt động rất có ý nghĩa được chính quyền và nhân dân ở huyện Lê Thủy, Quảng Bình tổ chức vào dịp Tết Độc lập như công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Bao nhiêu năm nay, người dân ở Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn luôn giữ được những nét văn hoá bao đời của cha ông truyền lại.
Sáng 2/9, từ sáng tinh mơ, hàng vạn người dân Lệ Thủy và du khách đổ về hai bên dòng sông Kiến Giang thơ mộng xem lễ hội đua thuyền, một lễ hội có từ 500 năm trước. Theo sách “Ô châu cận lục”, cuốn địa chí địa phương đầu tiên viết về vùng đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam do Tiến sĩ Dương Văn An soạn thảo trong những năm 1553 – 1555, đã viết về lễ hội đua thuyền Lệ Thủy ra đời trước thế kỷ XVI. Dương Văn An đã khảo tả về lễ hội đua thuyền trên dòng Bình Giang (sông Kiến Giang) như sau: “Sang xuân mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh, gái lịch…”.
Được biết, lễ hội đua thuyền Lệ Thủy, Quảng Bình lúc đầu được tổ chức vào mùa xuân với nghi thức cầu đảo (cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu). Một năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1946, lần đầu tiên lễ hội đua, bơi thuyền Lệ Thủy được tổ chức để chào mừng Tết Độc lập của dân tộc. Và từ đó đến nay, lễ hội này được đánh giá là lễ hội đua thuyền lớn nhất cả nước, được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Trước Tết Độc lập cả tháng, ai đến Lệ Thủy, Quảng Bình đều bất ngờ trước sự chuẩn bị đón tết của bà con nơi đây. Con em địa phương đi làm ăn xa thường gom góp tiền gửi về quê để người làng đóng thuyền, hay để phục vụ trai bơi tập chèo. Người làng thì có gì góp nấy, người góp tiền, người góp gạo, con heo, con gà, buồng chuối, cân cam… để chung sức lo việc làng. Chúng tôi có cảm giác, ai là người Lệ Thuỷ trong dịp này họ cũng đều muốn làm một việc gì đó gắn với Tết Độc lập của quê hương. Nhiều làng quê nơi đây có một thuyền đua nam gọi là đội “Thuyền bơi” và một đội nữ bằng chèo tay, gọi là “Đò đua”. “Thuyền bơi” và “Đò đua” nói lên sự tranh tài bình đẳng giữa nam và nữ. Đua thuyền truyền thống là ngày hội lớn nhất, vui nhất của nhân dân Lệ Thủy trong năm. Để đóng thuyền bơi, người dân trong làng chọn những cụ già có kinh nghiệm, uy tín tìm thầy, chọn gỗ đóng thuyền, đặc biệt là chọn người bỏ mực (tiêu chuẩn kỹ thuật đóng thuyền) để khi thuyền đóng xong đảm bảo kích thước, độ dày mỏng của ván thuyền, khả năng lướt nước…
Để kiểm tra tốc độ thuyền, người ta đứng trên bờ để xem thuyền đi “ốp 3” hay “ốp 4”. Có nghĩa là, mỗi nhịp bơi, mái chầm xuống nước của trai bơi ngồi cặp trước đẩy ra sau cũng là điểm của mái chầm người thứ 3 hoặc người thứ 4 đưa xuống nước. Tốc độ của thuyền đi “ốp 4” chắc chắn sẽ nhanh hơn thuyền đi “ốp 3”. Nhưng thuyền đi “ốp 3” hay “ốp 4” không phải do trai bơi quyết định mà do kỹ thuật của thợ đóng thuyền. Đóng được thuyền đi “ốp 4” phải là những thợ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm.
Được biết, mỗi thuyền đua có tổng cộng khoảng 30 người gồm 13 cặp thanh niên trai tráng, ngoài ra còn có người đánh mõ, người tát nước, lái chính 2 người và lái đề 1 người (gọi là bộ phách lái). Thành tích của mỗi thuyền không chỉ tùy thuộc vào sức khỏe của các trai chèo mà còn tùy thuộc vào bộ phách lái để điều khiển thuyền. Khi tiếng hiệu lệnh đua nổi lên, hàng chục con thuyền tranh tài trên sông Kiến Giang, còn hai bên bờ sông hàng chục ngàn người dân hò reo cổ vũ cho các đội đua của làng mình. Có thể nói, không có một môn thể thao nào ở nước ta lại thu hút đông đảo người xem, cổ vũ như đua thuyền ở Lệ Thủy, có năm đua thuyền đã thu hút hơn 10 vạn người xem.
Sông Kiến Giang, nơi có lễ hội đua thuyền độc đáo nhất cả nước chảy uốn lượn sau lưng nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi con sông này đã gắn biết bao kỷ niệm êm đềm tuổi thơ của Đại tướng. Sinh thời, mỗi lần về thăm quê dịp Tết Độc lập. Đại tướng thường ra sông Kiến Giang cùng với người làng xem, cổ vũ lễ hội đua thuyền của quê hương. Có năm, Đại tướng lên thuyền đi dọc bờ sông động viên các đội bơi và căn dặn bà con quê hương gìn giữ truyền thống cách mạng, giữ gìn ngày hội lễ Tết Độc lập hằng năm.
Nguồn:https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/le-hoi-doc-dao-tren-vung-que-an-tet-doc-lap-lon-nhat-trong-nam-i705781/