Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
– Chiều 28/2, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác UBND tỉnh Cao Bằng về dự án đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) qua địa phận tỉnh Lạng Sơn. Cùng dự có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện Tràng Định, Văn Lãng.
Về phía đoàn công tác UBND tỉnh Cao Bằng, có các đồng chí: Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1212 ngày 10/8/2020; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 20 ngày 16/1/2023. Ngày 15/9/2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 1199 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư PPP (giai đoạn 1).
Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng phát biểu tại buổi làm việc
Theo báo cáo tại buổi làm việc, ngày 27/11/2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư; ngày 1/1/2024, UBND tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh Lạng Sơn, liên danh nhà đầu tư đã tổ chức khởi công dự án. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng, tính từ ngày khởi công.
Về công tác thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa phận tỉnh Cao Bằng, đến thời điểm hiện tại, Hội đồng giải phóng mặt bằng tỉnh Cao Bằng đã bàn giao khoảng 30 ha cho nhà đầu tư dự án.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Tràng Định phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Để triển khai thực hiện dự án đảm bảo theo đúng tiến độ, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo đơn vị chuẩn bị dự án, nhà đầu tư nghiên cứu các phương án thiết kế để so sánh, lựa chọn phương án tối ưu theo như nội dung thống nhất giữa lãnh đạo UBND 2 tỉnh tại buổi làm việc ngày 17/3/2023. Theo đó, đại diện đơn vị tư vấn dự án đã trình bày 3 phương án thiết kế phân đoạn tránh qua đập Thâm Luông và Trạm ra đa 59.
Qua phân tích, đánh giá, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét, lựa chọn phương án 2. Theo phương án này, chiều dài tuyến khoảng 6,89 km với điểm đầu tuyến bắt đầu từ Km31+700, tuyến đi chếch sang bên phải phía hạ lưu đập Thâm Luông, bám sát chân núi, tránh phạm vi ảnh hưởng trạm ra đa quân sự, sau đó tuyến cắt qua tỉnh lộ 226, điểm cuối phương án kết thúc tại Km38+581.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến phân tích, đánh giá về ưu, nhược điểm của các phương án thiết kế, đảm bảo sinh kế người dân và định hướng phát triển lâu dài của các địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án.
Đại diện nhà đầu tư dự án phát biểu tại buổi làm việc
Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo UBND 2 tỉnh thống nhất sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan của 2 tỉnh phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ tính khả thi của các phương án. Cùng đó, thống nhất sẽ trực tiếp khảo sát thực tế tại khu vực triển khai dự án để lựa chọn phương án phù hợp xong trước ngày 6/3/2024. Đồng thời lưu ý các cơ quan liên quan của 2 tỉnh tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư tích cực thực hiện các bước phục vụ cho công giải phóng mặt bằng dự án đảm bảo tiến độ thực hiện và các mục tiêu dự án đề ra.
Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài 93,35km, điểm đầu tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đi qua huyện Văn Lãng và Tràng Định có chiều dài 51,08 km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, trong đó, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách khoảng 9.800 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng. |