Trước guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, những tưởng giới trẻ đang dần thờ ơ với các giá trị nghệ thuật truyền thống. Nhưng không, vẫn có những người trẻ âm thầm thắp lên ngọn lửa tình yêu với di sản văn hóa cha ông. Trong đó, nhóm bạn trẻ đến từ Xẩm 48h là ví dụ tiêu biểu.
“Xẩm trong phố” là chương trình nằm trong chuỗi dự án “Di sản trong lòng phố” thuộc Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH), do nhóm các bạn trẻ đến từ câu lạc bộ Xẩm 48h thực hiện. Trong không gian hoài niệm của căn nhà cổ Hà Nội, tiếng đàn nhị, tiếng sênh vang lên như đưa người tham gia trở về với không gian của Hà Thành đầu thế kỷ 20.
Vừa thưởng thức trà, bánh, những vị khách trẻ tuổi trong nước và du khách quốc tế vừa được lắng nghe “xẩm đàn-xẩm kể-xẩm ca”, tìm hiểu về sự hình thành và ý nghĩa của “Xẩm tàu điện”, “Xẩm Thập Ân”… qua lời ca, diễn xuất và lời chia sẻ của các nghệ sĩ…
Không chỉ được trải nghiệm hát những làn điệu cổ, người tham gia còn đặc biệt hào hứng khi được tương tác, chơi thử các nhạc cụ đặc trưng của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Đó là cách những thành viên câu lạc bộ Xẩm 48h “gieo” tình yêu xẩm cho những người bạn cùng trang lứa.
Anh Ngô Văn Hảo, Trưởng câu lạc bộ Xẩm 48h chia sẻ, ngay từ năm 2010, khi bắt đầu có cơ hội tiếp cận xẩm, làn điệu và những ca từ ý nghĩa của xẩm đã thu hút anh. Nhưng phải tới khi nhận lời mời cộng tác với dự án “Chèo 48h- Tôi chèo về quê hương” trong vai trò hướng dẫn bộ môn nghệ thuật hát xẩm…, anh mới có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ cùng những bạn trẻ có cùng đam mê nghệ thuật cổ truyền. Và Xẩm 48h đã ra đời như thế, với mong muốn lan tỏa những giá trị, vẻ đẹp của nghệ thuật hát xẩm tới cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Kêu gọi sự đồng hành của những nghệ sĩ, nghệ nhân, chuyên gia nghiên cứu giàu tâm huyết, Xẩm 48h đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều dự án, chương trình giàu tính trải nghiệm mang những nét đặc trưng của nghệ thuật hát xẩm đến gần hơn với công chúng trẻ.
Không dừng lại ở những buổi diễn “Xẩm trong phố” vào mỗi cuối tuần, nhóm bạn trẻ của Xẩm 48h còn tích cực đồng hành cùng Trung tâm Xúc tiến, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam trong việc đưa nghệ thuật hát xẩm vào trường học, giới thiệu xẩm trong lễ hội thiết kế sáng tạo, thực hiện chương trình “Xẩm on the bus”- trải nghiệm xẩm trên chuyến xe buýt du lịch vòng quanh Thủ đô…
Những chuỗi chương trình đã góp phần mang đến những rung cảm đầu tiên cho khán giả trẻ về xẩm, để từ đó hiểu hơn, yêu hơn và khao khát được gìn giữ, bảo tồn giá trị của nghệ thuật truyền thống.
Chia sẻ về những khó khăn trên hành trình đưa xẩm tiếp cận công chúng trẻ, anh Ngô Văn Hảo cho biết, thách thức lớn nhất là giới trẻ hiện nay đã quá quen thuộc với âm nhạc hiện đại sôi động, giàu tính giải trí, nên để họ thích và dần gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống đã qua nhiều thăng trầm như xẩm là không dễ dàng. Chưa kể, làm thế nào để có thể tổ chức, bán vé đều đặn nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các chương trình cũng là bài toán khó.
Tuy nhiên, khó khăn đã biến thành “động lực” để những người thực hiện không ngừng cố gắng, nỗ lực tìm mọi cách giúp xẩm từng bước chinh phục công chúng trẻ. Chẳng hạn, với sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia, nhiều làn điệu cách tân dựa trên chính các giai điệu xẩm cổ của cha ông đã được sáng tạo, lồng ghép, thổi vào xẩm hơi thở thời đại gần gũi, dễ tiếp thu hơn. Đồng thời, nhóm cũng không ngừng đưa ra những cách tiếp cận mới giúp công chúng dễ dàng “chạm” vào nghệ thuật truyền thống bằng những hoạt động mang tính tương tác.
Cũng nhờ những nỗ lực ấy, số lượng thành viên theo dõi các hoạt động của câu lạc bộ trên mạng xã hội ngày càng tăng, lượng khán giả biết tới và hưởng ứng các chương trình giới thiệu xẩm ngày càng nhiều.
Đây cũng chính là cách để bảo tồn, phát huy giá trị của xẩm nói riêng, văn hóa truyền thống nói chung trong cuộc sống hôm nay. Nói như Nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long: Nền văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc luôn có nguy cơ mai một nếu người trẻ thờ ơ, không trực tiếp tham gia. Vì lẽ đó, không chỉ một nhóm mà chúng ta cần nhiều hơn nhóm các bạn trẻ giàu nhiệt huyết và có hiểu biết về nghệ thuật truyền thống như Xẩm 48h để cùng tham gia vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống mà cha ông ta đã gây dựng, trao truyền…