Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ động viên hết sức to lớn, đồng thời là sự chỉ dẫn về đường hướng phát triển của cách mạng Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt trong bản Di chúc là tư tưởng “đại đoàn kết”, trước hết là đoàn kết trong Đảng, để Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh về mọi mặt.
Di chúc của Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(1).
Sự đoàn kết trong nội bộ Đảng chỉ có thể bắt nguồn từ đường lối chính trị đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, sự tận tâm, trách nhiệm “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” của các cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi đảng viên. Đoàn kết trong Đảng chính là hạt nhân quan trọng để xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng muốn thực hành đoàn kết, thống nhất: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(2).
Là hạt nhân lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh căn dặn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể phải quan tâm: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Con người trong tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh chính là Nhân dân. Hồ Chí Minh có niềm tin tuyệt đối ở trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, Di chúc của Người viết: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(3).
Theo Người, bất luận công việc gì, dù khó khăn đến đâu, nếu được nhân dân tham gia, ủng hộ giúp đỡ thì cũng thành công. Tuy nhiên, để được nhân dân hăng hái ủng hộ, giúp đỡ, phải xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và tạo lập niềm tin tuyệt đối giữa Đảng với dân, phải: “Luôn luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân… Luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của nhân dân…”(4); “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(5).
Thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1986, Đảng ta quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Năm 1989, nông dân được miễn giảm thuế và miễn thuế nông nghiệp theo đúng lời dặn trong Di chúc của Người.
Chính sách xóa đói, giảm nghèo trở thành những chủ trương lớn, được phát động trên quy mô toàn quốc; các đối tượng: Thương binh, con em các gia đình liệt sĩ được hưởng chính sách xã hội ngày càng cao, mức hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân cũng ngày càng được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Thi đua sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng”, “Khuyến nông, khuyến lâm”, “Xây dựng giao thông nông thôn”, “Ngói hóa”, “Khuyến học”, “Khuyến thiện”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đáng chú ý, cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới” trên cả nước, đã tạo ra diện mạo mới ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Kết quả, từ một nước nông nghiệp, nhưng thường xuyên thiếu lương thực, thực phẩm, thực hiện Di chúc của Người, ngành nông nghiệp nước ta đã nỗ lực phấn đấu và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo, cà-phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su và các sản phẩm rau quả, thủy, hải sản đứng hàng đầu trên thế giới.
Từ một nước có tốc độ phát triển rất thấp, bị ảnh hưởng nặng nề do tàn phá của chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển cao và ổn định ở khu vực; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước nâng cao. Đó là những thành tựu hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, trước những biến động của tình hình trong nước và trên thế giới, tác động của mặt trái cơ chế thị trường; sự kích động, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, sự chống phá của các thế lực thù địch… đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật kém, xa rời quần chúng. Nhiều đảng bộ, chi bộ vẫn còn tình trạng mất dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình mang tính hình thức; một số cán bộ, đảng viên sa vào “chủ nghĩa cá nhân”, mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng, 55 năm qua, Đảng ta hết sức chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng; luôn xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; trong đó phải thường xuyên nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình trong Đảng, coi đó là nguyên tắc tồn tại của Đảng, là nhân tố bảo đảm sự đoàn kết nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận của nhân dân.
Cùng với việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, liên tục trong nhiều năm qua, Bộ Chính trị phát động các cuộc vận động và sinh hoạt chính trị trên phạm vi cả nước, với chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Với thái độ thẳng thắn, “không có vùng cấm”, kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, các cấp bộ đảng (từ Trung ương đến cơ sở) đã có sự chuyển biến, tiến bộ rõ rệt; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều chi bộ, đảng bộ và nhiều đảng viên đã được tăng lên; thể hiện bằng tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện tư tưởng lệch lạc, sai lầm, phản động, độc hại; chống tham ô, tham nhũng, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng cường sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận của xã hội.
Học tập và noi theo tấm gương của Người, mỗi cán bộ, đảng viên đã thể hiện ý thức kỷ luật, xây dựng phong cách làm việc phục vụ nhân dân; gương mẫu đi đầu trong hoạt động, công tác, nói đi đôi với làm… đem lại luồng sinh khí phấn khởi trong Đảng và niềm tin trong nhân dân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Về vấn đề đoàn kết quốc tế, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của lực lượng hòa bình dân chủ, xã hội chủ nghĩa trên thế giới”; sự đoàn kết và ủng hộ của các lực lượng dân chủ, tiến bộ và nhân dân yêu hòa bình trên thế giới có vai trò to lớn đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng góp phần tích cực cho phong trào cách mạng thế giới, vì hòa bình và phát triển.
Trong Di chúc, Người căn dặn: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”(6). Thực hiện Di chúc của Người, trên tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong sáng; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước dân chủ, tiến bộ và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Thực hiện những chỉ dẫn về đoàn kết quốc tế của Người, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã thực thi “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”… trên tinh thần tích cực, chủ động hội nhập sâu, rộng trong quan hệ hợp tác quốc tế, nhằm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển (vào năm 2045).
Nhìn lại 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(7). Thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của sự nghiệp đổi mới, thể hiện đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và giá trị trường tồn của bản Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng và nhân dân ta.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 621-623.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 622-623.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 288-289.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 621-623.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 621-623.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.25.
Nguồn: https://baolangson.vn/ky-niem-79-nam-quoc-khanh-2-9-va-55-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-giu-gin-va-xay-dung-su-doan-ket-thong-nhat-theo-loi-can-dan-cua-chu-5019930.html