– Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 27/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011, được kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Quy định về hoạt động lưu trữ tư; Quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Thảo luận tại hội trường có 22 lượt ý kiến phát biểu, không có đại biểu tranh luận. Các ý kiến phát biểu sôi nổi, khẩn trương, ngắn gọn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ với nhiều nội dung mới. Đồng thời các ĐBQH tập trung phát biểu về một số vấn đề lớn như: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc các ngành: quốc phòng, công an, ngoại giao; lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; hoạt động lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ…
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu chính xác, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, phản ánh toàn bộ lịch sử hình thành, phát triển cũng như đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia và từng địa phương. Để phát huy tốt vai trò của tài liệu lưu trữ, ngoài việc bảo quản an toàn tài liệu, bảo mật thông tin của tài liệu lưu trữ, cần quan tâm đến công tác sử dụng, khai thác và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.
Theo đại biểu, bên cạnh các quy định về tạo lập nguồn tài liệu, dự thảo Luật cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho việc tiếp cận, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ; phát huy tốt những giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ nhu cầu xã hội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Tại Khoản 3, khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật xác định nguyên tắc sử dụng rộng rãi, công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài liệu lưu trữ, tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở một số quy định liên quan đến việc khai thác tài liệu lưu trữ. Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị nghiên cứu kết cấu một chương riêng về khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ gồm cả tài liệu đã được số hóa.
Về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển lưu trữ điện tử, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, quy định của dự thảo Luật chưa chú trọng tới các quy trình nghiệp vụ lưu trữ điện tử. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát nội dung của dự thảo nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, lưu trữ số trên cơ sở. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về nghiệp vụ lưu trữ điện tử.
Về hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết của quy định của dự thảo Luật có nhất thiết phải coi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không và việc kiểm soát chất lượng lưu trữ có thể có nhiều công cụ khác nhau mà không nhất thiết phải kiểm soát thông qua điều kiện kinh doanh đầu vào.
Về chứng chỉ hành nghề lưu trữ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị đánh giá kỹ hơn sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì yêu cầu về chứng chỉ hành nghề lưu trữ như trong dự thảo Luật. Đề nghị làm rõ quy định dự thảo Luật có phải là chuyển thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ hiện nay ở cấp tỉnh, cấp bộ hay không và nếu chuyển như vậy thì có phù hợp với nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền như xác định trong dự thảo Tờ trình của chính phủ hay không. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong nước và phù hợp với các cam kết thỏa thuận quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)
Trong chương trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, trong đó làm rõ một số nguyên tắc chung trong quá trình sửa đổi Luật Lưu trữ.
Giải trình về vấn đề lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là nội dung mới được thiết kế thành một chương riêng, nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số, công dân số. Trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo cố gắng đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước… đáp ứng được yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin về tài liệu lưu trữ. Về nghiệp vụ lưu trữ điện tử và lưu trữ số và phải gắn với chuyển về số, Bộ trưởng tiếp thu để hoàn thiện thêm, trong đó quy định lộ trình đảm bảo nguồn lực bố trí các điều kiện để thực hiện nội dung này.
Liên quan đến lưu trữ tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, mô hình lưu trữ tư nhân chưa được pháp luật quy định một cách đầy đủ và tham khảo nhiều quốc gia trên thế giới. Qua ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu để thiết kế một cách cụ thể hơn, định hướng hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư rõ ràng, mạch lạc và các tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm cụ thể trong quản lý lưu trữ tư, nhằm phát huy tối đa vai trò của khu vực tư trong quản lý lưu trữ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng giải trình ý kiến đại biểu về quy định liên quan đến lưu trữ ở cấp xã, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; về hoạt động dịch vụ lưu trữ; về ngành nghề kinh doanh có điều kiện….
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và tiến hành biểu quyết thông qua Luật này với 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%.