– Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 24/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đường bộ
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Dự án luật Đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tháng 10/2020 cùng với dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cùng trình Quốc hội cho ý kiến đồng thời tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Trong phiên thảo luận tại hội trường có 24 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu nêu, không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm. Các ĐBQH đã tập trung góp ý vào các vấn đề trọng tâm như: cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn về sự cần thiết ban hành luật, yêu cầu bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo luật; tên gọi của dự thảo luật; phạm vi điều chỉnh; hồ sơ dự án luật; tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; đánh giá tác động chính sách…
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ tán thành với hồ sơ Dự thảo Luật Đường bộ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo Luật đối với quy định về Hệ thống giao thông thông minh tại khoản 1 Điều 7, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc làm rõ nội hàm khái niệm của cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ”, hoặc chỉnh lý cụm từ “trí tuệ” bằng một cụm từ khác phù hợp hơn với nội hàm của “Hệ thống giao thông thông minh”. Bởi theo đại biểu, cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ” còn trừu tượng, chưa thực sự rõ nghĩa. Khi triển khai cụ thể hóa trong thực tiễn sau này dễ gây nhiều cách hiểu khác nhau và rất dễ gây tranh luận.
Đối với quy định về “Đất hành lang an toàn đường bộ” tại Điều 19, hiện đang có vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đối với thửa đất có phần diện tích đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cân nhắc bổ sung thêm quy định vào khoản 2 Điều 19 Dự thảo Luật theo hướng cho phép người dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ, mà chưa được Nhà nước thu hồi.
Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc có chính sách hỗ trợ miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất của người dân đối với diện tích nếu được chuyển đổi nằm trong hành lang an toàn đường bộ một cách phù hợp. Từ đó, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa hai Dự thảo Luật, trong đó bao gồm Điều 122 Dự thảo Luật Đất đai và Điều 19 Dự thảo Luật Đường bộ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận
Trong chương trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận. Trong đó, Bộ trưởng cho biết về vấn đề chung như: nội hàm phạm vi điều chỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để rà soát bảo đảm tính thống nhất, không trùng lặp và thuận lợi trong áp dụng.
Về quy định chung đối với đường cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết tại khoản 2 Điều 50 dự thảo Luật đã quy định việc đầu tư đường cao tốc phải đồng bộ. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 50 dự thảo Luật cũng quy định về việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc. Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu quy định tại Quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 91 dự thảo Luật Đường bộ cũng đã quy định chuyển tiếp đối với các dự án đường cao tốc phân kỳ, theo đó đối với các dự án đường cao tốc phân kỳ đầu tư đã được quyết định đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Luật này được tiếp tục đầu tư theo lộ trình tại quy hoạch được duyệt.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ; về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết bổ sung phí sử dụng đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện…
Trong chương trình buổi sáng, các ĐBQH nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) và tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật này với 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 94,74%.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.