Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong sáu tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mục tiêu trong năm 2024 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng từ 13% đến 13,5%/năm tại chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 13/7/2021). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sáu tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,7%. Tính chung cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm.
Sức mua ở thị trường trong nước từ năm 2021 đến nay có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm, tác động tiêu cực tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng của khu vực thương mại-dịch vụ và GDP chung của cả nước. Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường trong nước được coi là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế. Do vậy, việc kích cầu tiêu dùng trong nước sẽ là chìa khóa quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Bộ Công thương đang khẩn trương đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng thị trường; lắng nghe và thu thập đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng, hệ thống phân phối… để triển khai ngay giải pháp thiết thực, cụ thể và hiệu quả nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, thúc đẩy thương mại nội địa.
Theo dự thảo đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước” do Bộ Công thương soạn thảo, để kích cầu tiêu dùng, từng bước phục hồi thị trường trong nước từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tiếp theo, cần nghiên cứu, đề xuất chương trình tặng phiếu mua hàng (voucher); giảm giá, xả hàng tồn kho; bán hàng bình ổn giá, hàng Tết,…
Cùng với đó, cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các chương trình tín dụng, cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp, ưu đãi. Theo các doanh nghiệp phân phối, chương trình khuyến mãi không nên kéo dài và dàn trải, mà cần trọng tâm, có điểm nhấn để thu hút mạnh người tiêu dùng.
Về dài hạn, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về phát triển thương mại trong nước (tập trung vào giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân). Cần chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng bán lẻ, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các doanh nghiệp làm đầu mối thu mua sản phẩm hàng hóa ở các địa phương, nhất là ở những vùng có thế mạnh về sản phẩm OCOP; khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics, vận chuyển và bảo quản, dịch vụ thanh toán.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam; đa dạng hóa các chủ thể kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường bán lẻ; quản lý hiệu quả về thương mại và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng; có giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân,… Trong bối cảnh thị trường chưa thuận lợi, Chính phủ và các bộ, ngành cần duy trì các chính sách vĩ mô ổn định, kéo dài ưu đãi về thuế, phí, để cộng đồng doanh nghiệp có đủ thời gian thích ứng, vượt qua khó khăn.
Nguồn: https://baolangson.vn/kich-cau-tieu-dung-trong-nuoc-5019448.html