– Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã phân bổ hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (Khu KTCK). Điều này giúp tạo sức bật mạnh mẽ cho Khu KTCK, từ đó góp phần quan trọng cho phát triển và tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh Lạng Sơn, tác động tích cực đến phát triển của các khu vực khác.
Với diện tích 394 km2, Khu KTKC được xác định là vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung. Đặc biệt, giai đoạn 2016 – 2025, Khu KTCK của tỉnh Lạng Sơn được Chính phủ lựa chọn là một trong các Khu KTCK trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước.
Tập trung đầu tư đồng bộ
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu KTKC Đồng Đăng – Lạng Sơn, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã bố trí hơn 11.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng trọng yếu của Khu KTC, trong đó, phần lớn nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tại các khu vực cửa khẩu.
Ông Vũ Quang Khánh, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã bố trí hơn 6.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công trình, dự án có sức lan tỏa và góp phần nâng cao hiệu quả phát triển KTCK. Trong đó, phần lớn nguồn vốn đầu tư để triển khai hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu.
Điển hình là tập trung đầu tư xây dựng công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và tuyến đường chuyên dụng XNK hàng hóa qua mốc 1119-1120 tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa tại Cửa khẩu Tân Thanh; nâng cấp, cải tạo đường XNK Cửa khẩu Chi Ma; nâng cấp Nhà kiểm soát liên hợp Cốc Nam; cải tạo nâng cấp tuyến đường Hữu Nghị – Bảo Lâm; đường Bản Nằm – Bình Độ – Đào Viên (phục vụ hoạt động XNK vào một số cửa khẩu phụ tại khu vực này). Gần nhất là mở rộng tuyến đường XNK hàng hóa Cửa khẩu Chi Ma lên 4 làn (2 làn xuất, 2 làn nhập); mở rộng tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa qua khu vực mốc 1119-1120 thuộc Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị lên 6 làn (3 làn xuất, 3 làn nhập); tiếp tục đầu tư sửa chữa, cải tạo một số dự án đầu tư hệ thống giao thông, hạ tầng các khu vực làm việc của cơ quan chức năng… tại các cửa khẩu. Những dự án này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời, góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả Khu KTCK, đặc biệt là tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa của cả nước qua địa bàn tỉnh.
Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung kêu gọi, thu hút, huy động các nguồn vốn xã hội từ các tổ chức, doanh nghiệp để đầu tư triển khai các dự án trong Khu KTCK.
Cụ thể từ năm 2016 – 2023, tổng nguồn vốn xã hội đầu tư vào Khu KTCK là hơn 60.000 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2023 đã huy động 11.574 tỷ đồng đầu tư 12 dự án hạ tầng nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu trong Khu KTCK. Trong đó, phần lớn nguồn vốn đầu tư để triển khai thi công các dự án trong khu kinh tế như: khu trung chuyển hàng hóa, khu Phi thuế quan và khu chế xuất 1…
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, hiện tại Khu KTCK có 154 dự án, trong đó có 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư trên 87 triệu USD và 138 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu thuộc các lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm… Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng thương mại, kinh doanh kho bãi trong Khu KTCK hiện có 23 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 3.400 tỷ đồng. Nhìn chung các dự án phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, tạo sự sôi động trong hoạt động Khu KTCK.
Tiếp tục đầu tư – thúc đẩy phát triển thương mại biên giới
Mục tiêu tổng kim ngạch XNK hàng hóa tất cả các loại hình qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn năm 2024 là từ 55 – 60 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đang tiếp tục tập trung phát triển hệ thống hạ tầng cửa khẩu tạo điều kiện kết nối tối đa chuỗi logistics, do đó, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực cửa khẩu một cách tương xứng để tạo thành chuỗi cung ứng logistics xuyên biên giới, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nâng cao kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, trung bình mỗi năm tỉnh sẽ bổ sung từ 1.000 tỷ đồng trở lên từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng ít nhất 10 công trình trọng điểm phục vụ hoạt động quản lý của các lực lượng chức năng và nâng cao năng lực thông quan hàng hóa XNK. Cùng đó, tạo cơ chế chính sách để thu hút, huy động từ 15 – 20 nghìn tỷ đồng nguồn đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư các dự án trong Khu KTCK và các khu cửa khẩu khác.
Đặc biệt, từ nay đến năm 2025 sẽ tập trung hoàn thiện 3 dự án khu chức năng trong Khu KTCK, đây là những dự án trọng điểm, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Khu KTCK.
Trong giai đoạn 2016 – 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Khu KTCK bình quân tăng trên 7,5%/năm. GRDP của Khu KTCK (theo giá hiện hành) năm 2023 đã đạt 18.619,8 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần so với năm 2010.
|
Ông Vũ Quang Khánh, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn chia sẻ: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ban và các cơ quan liên quan của tỉnh đã và đang tiếp tục chuẩn bị các điều kiện thu hút đầu tư đối với một số dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm phục vụ kết nối dịch vụ logistics trên địa bàn như: thu hút đầu tư 3 cảng cạn trên địa bàn tỉnh (nằm trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050); tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án thuộc quy hoạch Khu chế xuất, Khu phi thuế quan… trong phạm vi Khu KTCK; tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hoá hạ tầng kho, bãi hiện có; đặc biệt là hệ thống giao thông và kho bãi tại các cửa khẩu, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh; tích cực nâng cấp cửa khẩu, trong đó tập trung xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh để nâng cao khả năng tiếp nhận, XNK hàng hoá…
Một điều đáng mừng là thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đến tìm hiểu, thực hiện đầu tư các dự án vào Khu KTCK của tỉnh. Điển hình, vào cuối năm 2023, Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long (cửa khẩu Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng) đã thực hiện hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Lực Duệ (Trung Quốc) thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phát triển thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng… tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam với tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long chia sẻ: Công ty sẽ tiếp tục đầu tư triển khai các hạng mục công trình tại Khu KTCK nhằm nâng tầm Cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam trở thành trung tâm tập trung phân phối nông sản, sản phẩm cơ khí điện tử, và cũng là khu hợp tác công nghiệp Việt – Trung quan trọng của tỉnh Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Mặc dù hiện tại trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 7/12 cửa khẩu hoạt động thông quan hàng hóa nhưng các cửa khẩu này đều luôn hoạt động thông suốt với hiệu suất thông quan rất cao (từ 1.100 – 1.350 xe/ngày). Cụ thể như năm 2023, hoạt động XNK hàng hóa, trao đổi thương mại biên giới qua các cửa khẩu trong Khu KTCK của tỉnh đạt kết quả tích cực. Tổng kim ngạch hàng hóa XNK tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh năm 2023 đạt trên 52 tỷ USD, tăng hơn 85% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 48% tổng kim ngạch hàng hóa XNK hàng hóa của cả nước với đối tác Trung Quốc. Trong quý I/2024, kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh đã đạt hơn 14 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo, kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh cả năm 2024 sẽ cao hơn so với năm 2023. Điều đó cho thấy việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng KTCK đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Từ con số thực tế cho thấy, với việc tập trung các nguồn lực để đầu tư, đến nay, Khu KTCK đã trở thành đầu mối giao lưu quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và du lịch với Quảng Tây (Trung Quốc) và đã trở thành khu vực kinh tế động lực của tỉnh Lạng Sơn với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt ở mức cao.