Chiều 21/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Thành phố.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/HT
Cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2022, trước những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao, lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, tỉ giá, lãi suất được điều hành phù hợp, VND là một trong những đồng tiền ổn định trên thế giới và khu vực, mặt bằng lãi suất giảm dần… Những thành quả đó được các nhà đầu tư trong nước, thế giới ghi nhận.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, bối cảnh trong nước đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn, thách thức, bối cảnh thế giới biến động phức tạp khó lường, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nước.
Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Bên cạnh đó, vốn của nền kinh tế lại phụ thuộc lớn vào ngân hàng, tỉ lệ tín dụng/GDP đã ở mức cảnh báo, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại. Việc điều hành chính sách tiền tệ cũng không nằm ngoài thách thức đó.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho DN.
Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào 3 động lực chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng là một lĩnh vực rất được quan tâm. Theo thống kê, tín dụng 8 tháng đầu năm 2023 tăng 5,33%, trong khi tín dụng cả năm 2022 tăng hơn 14%. Theo Thống đốc, điều này có có nhiều nguyên nhân cần được phân tích.
Về vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong gần 9 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức 2 hội nghị, 5 cuộc họp với các bộ ngành, hiệp hội; NHNN đã tổ chức 11 hội nghị, cuộc họp bàn, ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực, về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng; 2 hội thảo khoa học về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng; đặc biệt tại các địa phương đã có 63 hội nghị kết nối ngân hàng-DN được tổ chức, thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn giữa ngân hàng và DN, nền kinh tế.
Về vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong gần 9 tháng đầu năm 2023, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết thêm, NHNN đã điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, sau 4 lần giảm lãi suất liên tiếp với mức giảm 0,5-2%, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.
Bà Hà Thu Giang cho hay, trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt, NHNN triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, cụ thể, đối với lĩnh vực bất động sản, về việc triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, Ngân hàng BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 3 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng.
Kỳ vọng các TCTD linh hoạt hơn để DN tiếp cận vốn ưu đãi
Đại diện các hiệp hội DN đã có các phản ánh về thực trạng cũng như trao đổi về khó khăn về vốn. Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm chủ lực (HAMI) phản ánh: Việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn chịu thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài. Với khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1-3 tháng và khoản vay trung dài hạn trung bình duyệt trong vòng 3 tháng thậm chí có những khoản vay tới 6 tháng hoặc dài hơn. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất không kịp thời là yếu tố góp phần dẫn tới DN càng khó khăn hơn, đặc biệt với các DN sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Hà Nội – Ảnh: VGP/HT
Ông Lê Vĩnh Sơn đề nghị cần giảm lãi suất trực tiếp 1-2% từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng, áp dụng với tất cả khoản vay cũ và mới phát sinh. Các ngân hàng cần làm như Vietcombank, BIDV tiên phong trong nội dung này, giảm lãi ngay thời điểm khó khăn trên toàn hệ thống mà DN chưa cần gửi văn bản đề nghị giảm lãi.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội cho rằng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đa số các DN lớn, mạnh được thụ hưởng, trong khi nhiều DNNVV gặp khó khăn về dòng tiền, tài chính là đối tượng cần nhất thì ít được tiếp cận.
“Thực tế với nhiều DN vay ngân hàng không hề khó, có DN được 5-7 ngân hàng mời chào, là cạnh tranh hạ lãi suất coi là “khách quý”, có chăng là khó khăn chung về thị trường, vay về làm gì, bán cho ai? Các đối tượng khó khăn chủ yếu là các DNNVV bị yêu cầu thủ tục hồ sơ nhiều hơn. Do đó, các DNNVV mong các ngân hàng tạo điều kiện giảm tiêu chuẩn DNNVV thông thoáng như với các DN lớn”, bà Trịnh Thị Ngân nói.
Đáng chú ý, bà Trần Thị Ngân đề nghị cần sớm sửa các quy định về hỗ trợ DNNVV, vì các quỹ bảo lãnh, hỗ trợ chưa hiệu quả. Các quỹ đôi khi có điều kiện vay cao hơn, khó hơn cả ngân hàng thì DN khó tiếp cận, không có tác dụng nhiều.
Dưới góc độ DN, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa (đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực điện dân dụng, điều hòa…) đánh giá cao một số ngân hàng nhiều lần hạ lãi suất, dù vậy, DN vẫn kỳ vọng tiếp tục giảm thêm lãi suất, giảm các phí dịch vụ liên quan, để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn khi sức mua giảm.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, lãnh đạo NHNN khẳng định, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.
Lãnh đạo NHNN chỉ đạo các chi nhánh NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo TCTD tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.
“Tất nhiên, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng ngân hàng. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng kỳ vọng DN minh bạch trong tài chính, dòng tiền để TCTD mạnh dạn cho vay. Về vấn đề phí trả nợ trước hạn, đại diện TCTD cho biết sẽ tiếp tục quan tâm tới hỗ trợ DN, có giải pháp hỗ trợ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023…
“Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn TP. Hà Nội. Với giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, DN trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội bền vững”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kỳ vọng.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/ket-noi-ngan-hang-doanh-nghiep-de-khoi-thong-nguon-luc-san-xuat-kinh-doanh-102230921183134796.htm