– Xác định mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hữu Lũng đã chú trọng phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, nổi bật là việc phát triển mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Người dân xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng thu hoạch, tiêu thụ na
Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển sản xuất, làm thay đổi nhận thức bà con nông dân về phát triển nông nghiệp. Đồng thời, UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện thực tế, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để hỗ trợ phát triển.
Đơn cử như năm 2021, từ nguồn vốn xây dựng NTM, huyện đã thực hiện mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Vân Nham với 12 ha, mô hình sản xuất na an toàn tại xã Yên Thịnh với 24 ha, mô hình cải tạo giống cây lâm nghiệp tại xã Hồ Sơn với kinh phí 1 tỷ đồng. Theo đó, người dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, các mô hình đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hoàng Trung Tá, Chủ tịch UBND xã Yên Thịnh cho biết: Tham gia mô hình, các hộ dân đều chủ động áp dụng kỹ thuật chăm sóc, mô hình có triển vọng kinh tế cao và có khả năng nhân rộng. Bên cạnh đó, năm 2021, từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM, UBND xã hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất na VietGAP với 83 hộ tham gia, diện tích 24 ha; hướng dẫn người dân xây dựng mô hình trồng lúa Nhật J02 và mô hình liên kết trồng khoai tây, khoai lang với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Trong đó, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Qua đó, đã tạo thu nhập ổn định cho bà con, nhiều hộ có thu nhập cao từ 100 đến 250 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ ông: Nguyễn Tiên Phong, Nguyễn Văn Toàn (thôn Tân Yên), Ngô Công Tin (thôn Làng Áng)… góp phần hoàn thiện tiêu chí thu nhập, tạo động lực giúp xã đạt chuẩn NTM trong năm 2021.
Việc phát triển mô hình sản xuất trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ trên 1,2 nghìn tỷ đồng (năm 2016) lên hơn 2,5 nghìn tỷ đồng (năm 2022). |
Đây chỉ là 3 trong số các mô hình được huyện đầu tư có hiệu quả kinh tế và có khả năng nhân rộng. Từ năm 2016 đến năm 2022, bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM, UBND huyện đã phân bổ 6,8 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất đối với 58 mô hình tại các xã trên địa bàn. Bên cạnh đó, trung bình một năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNT) phối hợp các đơn vị tổ chức lồng ghép khoảng 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân ở xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.
Ông Lê Bá Hải, thôn Làng Cần, xã Đồng Tân cho biết: Năm 2017, tôi đầu tư mô hình chăn nuôi gà khép kín với quy mô 2.000 con. Trong quá trình thực hiện mô hình, năm 2019, gia đình được UBND xã hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi với tổng kinh phí 200 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM. Nhờ đó, tôi có điều kiện nâng tổng đàn lên 6.000 con/lứa và duy trì đến nay. Trung bình mỗi năm, gia đình nuôi 3 lứa gà, sau khi trừ chi phí thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Theo đánh giá của phòng NN&PTNN huyện, các mô hình được hỗ trợ từ nguồn vốn thuộc chương trình MTQG xây dựng NTM đều có khả năng phát triển và nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên, cụ thể như: mô hình sản xuất na VietGAP, chăn nuôi gà, mô hình ươm giống cây lâm nghiệp… góp phần hình thành, phát triển các vùng sản xuất tập trung, tạo ra hàng hóa quy mô lớn, đưa Hữu Lũng trở thành một trong những đơn vị cấp huyện điển hình phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là mô hình cây ăn quả và ươm giống cây lâm nghiệp.
Ông Nông Khắc Tạo, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT Hữu Lũng cho biết: Trong năm 2023, huyện tiếp tục hỗ trợ 2 mô hình phát triển sản xuất gồm: mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Yên Vượng và mô hình cải tạo giống cây lâm nghiệp tại các xã Tân Thành, Nhật Tiến, Minh Sơn, tạo động lực cho bà con nhân dân phát triển kinh tế.
Việc phát triển mô hình sản xuất trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ trên 1,2 nghìn tỷ đồng (năm 2016) lên hơn 2,5 nghìn tỷ đồng (năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 21,98 % (năm 2016) xuống còn 7,27% (năm 2022). Đến hết tháng 6/2023, toàn huyện có 10/23 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân trên địa bàn huyện đạt 12,96 tiêu chí/xã.