– Ngày 15/12, đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, Công ty Điện lực Lạng Sơn.
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là cần thiết để triển khai các nội dung đã được xác định trong Quy hoạch điện VIII.
Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã rà soát, cập nhật và xác định chi tiết kế hoạch phát triển đối với các dự án nguồn điện phù hợp cơ cấu nguồn điện đến năm 2030. Cụ thể, tổng công suất nhiệt điện LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) là 22.400 MW; nhiệt điện than là 30.127 MW; nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ 2.700 MW; nhiệt điện khí trong nước 14.930 MW; thủy điện là 29.346 MW; thủy điện tích năng 2.400 MW; pin lưu trữ là 300 MW.
Dự thảo kế hoạch cũng nêu cụ thể danh mục các dự án đã được xác định rõ loại công trình (xây mới/cải tạo), quy mô dự án, tiến độ đầu tư và hình thức đầu tư; liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; phát triển điện nông thôn, miền núi và hải đảo; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; các đề án/dự án ưu tiên về hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện.
Đồng thời, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII xác định nhu cầu sử dụng đất, mặt biển trên cơ sở kết quả tính toán nguồn và lưới điện truyền tải dự kiến đầu tư giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, nhu cầu sử dụng đất cho toàn quốc gần 90,3 nghìn héc-ta; tổng nhu cầu diện tích mặt biển cần sử dụng cho mục đích khảo sát khoảng 111,6 nghìn ha.
Về nhu cầu vốn đầu tư, giai đoạn 2021 – 2030, toàn bộ nguồn vốn đầu tư cho các dự án đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công ước tính 3.223.000 tỷ đồng; nhu cầu vốn đầu tư công là 29.829 tỷ đồng.
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc thực hiện Quy hoạch điện VIII; xác định rõ nhu cầu, cách thức, nguồn lực để triển khai thực hiện; triển khai các dự án nguồn điện phù hợp với thực tiễn từng địa phương, từng vùng; việc phối hợp cung cấp thông tin, số liệu danh mục dự án…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định Bộ Công Thương đã chủ động trong việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bám sát Quy hoạch. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch vẫn còn một số vướng mắc, nhiều địa phương chưa cung cấp thông tin đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Đồng chí yêu cầu các địa phương cần bổ sung, hoàn thiện đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn của Bộ Công Thương về các nhóm tiêu chí cụ thể. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương và đơn vị liên quan trong việc bổ sung, cập nhật thông tin liên quan đến Quy hoạch điện VIII để nhanh chóng hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đảm bảo đúng quy định, từ đó sớm phê duyệt kế hoạch và triển khai thực hiện nhằm đảm bảo việc cung ứng điện cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, trên cơ sở tiềm năng về phát triển các loại hình nguồn, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII các nguồn điện khả thi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tổng lũy kế công suất các loại hình nguồn điện khả thi đến 2030 trên địa bàn toàn tỉnh đề nghị đưa vào kế hoạch là 2.241,7MW. Trong đó, nguồn các dự án nhiệt điện than là 220 MW; các dự án thủy điện nhỏ là 112,7 MW; các dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 1.823 MW; các dự án điện sinh khối với tổng công suất 50 MW; các dự án điện rác công suất 11 MW; các dự án điện mặt trời với công suất 25 MW.