– Sáng 22/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Theo báo cáo tại hội nghị, công nghiệp văn hóa được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt khoảng 44 tỷ USD. Đến năm 2022 thống kê có hơn 70.300 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp một số khó khăn, hạn chế, cụ thể, hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp văn hoá; nguồn lực đầu tư còn dàn trải; nội dung hình thức sản phẩm, dịch vụ chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hoá bản địa để tạo sự độc đáo riêng có…
Tại hội nghị, đại biểu các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm về thực tiễn, giá trị cốt lõi cho phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam; phân tích những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua; nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời đề xuất giải pháp phát triển các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế như: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; du lịch văn hóa; thủ công mỹ nghệ; thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí… để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.
Thủ tướng yêu cầu: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện, trình dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó đề cập nhiệm vụ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới. Đồng thời, chú trọng xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.
Thủ tướng đề nghị: Các hiệp hội phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá. Đồng thời các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo tiếp tục phát huy tâm huyết của mình trong việc nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.