Sáng 28-8, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Quân đội
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định phạm vi cứu nạn, cứu hộ trong luật này chỉ trong hoạt động chữa cháy; làm rõ việc không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của Quân đội tại dự thảo luật; bổ sung đầy đủ các hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ: Đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ giao cho lực lượng Quân đội đảm nhiệm đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Phòng thủ dân sự; Luật Phòng, chống thiên tai…
Còn cứu nạn, cứu hộ do luật này điều chỉnh chỉ bao gồm các tình huống như cháy và các tai nạn, sự cố diễn ra thường ngày chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự, cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định của pháp luật có liên quan và giao cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chủ trì phối hợp với các lực lượng khác có liên quan thực hiện. Do đó, việc dự thảo luật này không quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Quân đội là phù hợp.
Tăng cường trang bị những thiết bị hiện đại phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhấn mạnh, thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy ở các chung cư cao tầng, một trong những nguyên nhân chính là vi phạm các quy định phòng cháy, chữa cháy. Theo đại biểu, những quy định trong thiết kế các tòa nhà phải bảo đảm các quy chuẩn liên quan đến phòng cháy, chữa cháy nhưng đa số các chủ đầu tư đều không tuân thủ đầy đủ nguyên tắc này khiến người dân không thể thoát được ra ngoài khi hỏa hoạn xảy ra.
Theo đại biểu, việc quản lý lỏng lẻo tại các công trình nhà cao tầng cũng là nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn. Tại một số chung cư hiện đang xảy ra tình trạng người dân chiếm lối vào cầu thang làm nơi bán hàng, tận dụng mặt tiền toàn nhà để lắp biển quảng cáo, các ban công tại các căn hộ đều bị bịt kín để sử dụng… các thiết bị phòng cháy, chữa cháy như họng nước, bình chữa cháy tại nhiều nơi đã hỏng, không thể sử dụng khi hỏa hoạn xảy ra.
Trước tình trạng trên, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh quy chuẩn phù hợp với điều kiện hiện nay; đặc biệt cần tăng cường trang bị những thiết bị hiện đại phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, sử dụng robot trong việc chữa cháy, bảo đảm hiệu quả khi lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ. Đồng thời, tăng chế tài với những công trình vi phạm, nhất là trong khâu thẩm tra và xử lý các công trình vi phạm…
Đáng chú ý, về chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 4), dự thảo luật được nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý các quy định về chính sách bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, sát với yêu cầu thực tiễn; đồng thời thu hút các chính sách đặc thù tại các quy định cụ thể của các chương, điều trong dự thảo luật và thể hiện lại rõ ràng hơn tại Điều 4.
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đề nghị, dự thảo luật nên xem xét nghiên cứu, bổ sung việc bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị. Bởi lẽ, nếu chỉ quy định riêng về lực lượng mà không có phương tiện, thiết bị để phục vụ thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ rất khó khăn để thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.
Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong. Mặt khác, thực tế phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác này được trang bị ở cơ sở còn rất nhiều hạn chế, lạc hậu và kém chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu và thực tế đòi hỏi hiện nay. Chính vì vậy, cần tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy đến các huyện; ở những nơi có điều kiện thì có thể đầu tư đến cấp xã…
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tám tới.
Nguồn: https://baolangson.vn/hoi-nghi-dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-dai-bieu-quoc-hoi-thiet-bi-chuyen-dung-de-phong-chay-chua-chay-con-lac-hau-kem-chat-luong-5019867.html