Hội viên Hội Làm vườn xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng chăm sóc vườn na
– Những năm qua, Hội Làm vườn huyện Hữu Lũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai hỗ trợ hội viên tiếp cận khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện những mô hình phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất trên địa bàn, tăng thu nhập cho các hội viên.
Đến tham quan vườn na VietGAP của ông Nguyễn Văn Dân, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh vào những ngày đầu tháng 12/2023, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vườn na rải vụ xanh mướt đang sai trĩu quả. Trong lúc đang tất bật thu hoạch quả, ông Dân chia sẻ: Năm 2019, tôi tham gia Hội Làm vườn xã Cai Kinh. Thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Làm vườn huyện tổ chức, tôi biết đến mô hình sản xuất na theo quy trình VietGAP. Theo đó, tôi đã được cán bộ hội tập huấn kỹ thuật chăm sóc na VietGAP và được hỗ trợ 7 tạ phân hữu cơ. Nhờ gia đình áp dụng theo quy trình VietGAP mà mẫu mã, chất lượng quả na ngày càng đẹp hơn, giá bán cũng cao hơn so với canh tác theo hướng truyền thống. Nếu trung bình 1 cây na đạt 1 triệu đồng/2 vụ thì sau khi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 1,2 triệu đồng/cây/2 vụ. Đến nay, gia đình đã có 3.000 cây na cho thu hoạch, trung bình mỗi năm, vụ chính, gia đình thu được từ 17 đến 19 tấn quả; na rải vụ cho thu hoạch 7 tấn đến 8 tấn quả. Từ mô hình trồng na đã đem lại cho gia đình thu nhập từ 700 triệu đến 800 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương.
Không chỉ gia đình ông Dân, những năm qua, nhiều hội viên Hội Làm vườn trên địa bàn xã Cai Kinh đã được tập huấn kỹ thuật để phát triển mô hình trồng cây ăn quả. Ông Nông Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Cai Kinh cho biết: Hằng năm, Hội làm vườn xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 3 đến 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ giống, phân bón thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, an toàn. Đến nay, hội đã thành lập được chi hội làm vườn tại 9/9 thôn với trên 40 thành viên và có trên 80 ha cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, nhiều hội viên tiêu biểu trên địa bàn có thu nhập từ 200 đến 400 triệu đồng/năm.
Không chỉ hội viên xã Cai Kinh, những năm qua, nhiều hội viên của hội làm vườn trên địa bàn huyện đã được hướng dẫn, tập huấn phát triển mô hình trồng na VietGAP, na rải vụ tại một số xã như: Yên Vượng, Yên Sơn, Đồng Tân, Hòa Lạc… Đến nay, tổng diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của hội đạt trên 370 ha, tăng 80 ha so với năm 2022.
Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, Hội Làm vườn huyện đã thành lập được 24 hội làm vườn xã, với trên 600 hội viên. Để giúp hội viên phát triển kinh tế, hội đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tăng cường tuyên truyền, định hướng cho các hội viên phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương; tích cực vận động, khuyến khích hội viên phát huy mọi nguồn lực, xây dựng các mô hình kinh tế điểm mang lại hiệu quả. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, hội đã tổ chức 300 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc na, cây ăn quả có múi, rau an toàn… với trên 1.500 lượt người tham dự; hỗ trợ xây dựng 7 hệ thống tưới nhỏ giọt… Đặc biệt, để hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, hội đã tổ chức 10 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm cho trên 400 hội viên tham gia tại các tỉnh như: Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ninh… Đồng thời, hội còn hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của hội viên giới thiệu, quảng bá, trưng bày tại một số hội chợ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, Hội Làm vườn huyện còn phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm: nem nướng, măng Bát độ và quả tươi Hữu Lũng. Đây cũng là 1 trong 2 huyện có số lượng sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu tập thể nhiều nhất trên địa bàn tỉnh.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, các hội viên đã tích cực mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với một số mô hình hiệu quả như: trồng na VietGAP; mô hình trồng lúa J02 và TBJ3; mô hình trồng thanh long ruột đỏ; chăn nuôi gà thương phẩm… Hiện nay, Hội Làm vườn huyện có trên 50 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó, có trên 70% mô hình đem lại thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng/năm.
Với những nỗ lực và cố gắng đó, tháng 11/2023, Hội Làm vườn huyện Hữu Lũng vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam vì đã có thành tích trong phong trào làm kinh tế VAC, xây dựng và củng cố tổ chức hội vững mạnh nhiệm kỳ 2018 – 2023.