– Xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng có tổng diện tích đất tự nhiên là 6.553 ha (trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 80%). Đây là lợi thế để xã phát triển kinh tế đồi rừng. Do đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân phát triển trồng rừng, từng bước đưa kinh tế rừng trở thành mũi nhọn, giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Nông Văn Dũng, thôn Hòa Lạc, xã Hội Hoan cho biết: Cây hồi được gia đình tôi đưa vào trồng từ lâu nhưng với diện tích nhỏ, chủ yếu để cây tự phát triển, không chú trọng chăm sóc nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Đến năm 2013, sau khi được chính quyền xã định hướng, tuyên truyền, gia đình tôi đã tập trung chăm sóc và mở rộng diện tích hồi. Hiện nay, gia đình tôi đã có 8 ha hồi, trong đó có 4 ha đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm, sản lượng thu hoạch hoa hồi tươi ước đạt trên 10 tấn, với giá bán dao động từ 23.000 đến 35.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Tương tự gia đình anh Dũng, gia đình anh Hoàng Văn Minh, thôn Khuổi Toọc cũng tập trung phát triển trồng rừng. Anh Minh cho biết: Nhận thấy hiệu quả thiết thực từ phát triển kinh tế đồi rừng đem lại, những năm qua, gia đình tôi đã trồng được trên 6 ha rừng (gồm thông, keo, hồi). Hằng năm, tôi luôn tham gia các lớp tập huấn do xã phối hợp tổ chức về kỹ thuật chăm sóc cây lâm nghiệp nên diện tích rừng phát triển tốt. Đối với diện tích rừng thông, gia đình tôi vừa khai thác gỗ, đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng. Gia đình tôi dự tính sẽ tiếp tục trồng cây thông trên diện tích đã khai thác.
Không chỉ 2 gia đình trên, nhận thấy giá trị kinh tế từ việc trồng rừng, người dân trên địa bàn xã Hội Hoan đã chủ động đầu tư, phát triển trồng rừng, đặc biệt là các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như hồi, keo, thông.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phong trào trồng rừng trên địa bàn xã phát triển mạnh từ năm 2015. Đến nay, toàn xã có 1.075 hộ dân thì trong đó có đến 90% hộ trồng rừng. Hộ trồng ít có từ 1 đến 2 ha, hộ trồng nhiều trên 10 ha.
Ông Hoàng Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hội Hoan cho biết: Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là giải pháp quan trọng để giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, những năm qua, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân trồng rừng; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 – 3 lớp tập huấn/năm về kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho người dân. Đồng thời, chính quyền xã sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ các chương trình để hỗ trợ phân bón, cây giống lâm nghiệp cho người dân. Đơn cử như trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính quyền xã đã triển khai dự án hỗ trợ vật tư, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất cây hồi. Theo đó, xã đã hỗ trợ 24.000 cây hồi giống, trên 48 tấn phân bón cho 96 hộ dân tại 3 thôn Tác Chiến, Bản Kìa, Bản Bẻng để người dân phát triển mô hình trồng hồi.
Cùng với đó, UBND xã còn tạo điều kiện, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội để trồng rừng. Theo đó, đến nay, toàn xã có 695 hộ vay vốn với dư nợ trên 49 tỷ đồng, trong đó chủ yếu vay để trồng rừng.
Nhờ sự hỗ trợ, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã và sự chủ động của người dân, hiện nay, tổng diện tích rừng trên địa bàn xã Hội Hoan là hơn 1.800 ha. Đây là xã có diện tích trồng hồi lớn nhất huyện. Nhờ phát triển kinh tế rừng, hiện nay, toàn xã có trên 100 hộ có thu nhập cao, từ 100 – 150 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng đã và đang giúp nhiều người dân trên địa bàn xã Hội Hoan nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo của xã. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 14,89%, giảm 11,41% so với năm 2021; thu nhập bình quân đạt trên 28 triệu đồng/người/năm, tăng 6 triệu đồng/người/năm so với năm 2021.
Nguồn: https://baolangson.vn/hoi-hoan-vuon-len-tu-rung-5028580.html