Sáng 12/3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.
Để chuẩn bị cho Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành kế hoạch về tổ chức phản biện xã hội đối với dự án Luật; đồng thời, tổ chức nghiên cứu, họp các chuyên gia để xác định những nội dung trọng tâm cần phản biện.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và bố cục của dự án Luật; sự bảo đảm, phù hợp văn bản của Đảng, tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cũng như tính phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Cùng với đó, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về các quy định liên quan đến quyền con người, trong đó tập trung phản biện xã hội quyền hưởng thụ, tiếp cận và sử dụng các di sản văn hóa; các quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa của tổ chức, cá nhân trong dự án Luật.
Nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm về quy định liên quan các loại hình di sản văn hóa vật thể; việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, giá trị di sản văn hóa do Nhà nước, tư nhân quản lý; các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đã tập trung làm rõ việc bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong các quy định về quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa do các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo quản lý; điều kiện bảo đảm nguồn lực và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong dự án Luật…