– Để nâng cao chất lượng, sản lượng quýt vàng, đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn đã triển khai mô hình “Hỗ trợ thực nghiệm chế phẩm hữu cơ trên cây quýt” tại thôn Lân Hát, xã Bắc Quỳnh. Sau 11 tháng triển khai, đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Mấy năm gần đây, vườn quýt của gia đình anh Dương Hữu Chương ở xã Bắc Quỳnh thường xuyên bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế không cao. Sau gần 1 năm, gia đình anh áp dụng các quy trình kỹ thuật trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, nhất là sử dụng phân bón hữu cơ Green compost và phân bón Ogranic Fish trên cây quýt theo mô hình “Hỗ trợ thực nghiệm chế phẩm hữu cơ trên cây quýt” do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn triển khai từ đầu năm 2024, đến nay, vườn quýt đã phát triển tốt.
Theo ước tính của anh Chương, năm nay gia đình thu hoạch được khoảng 2 tấn quả, cao hơn vụ năm ngoái khoảng 20%. Đặc biệt, quả to đều, mọng nước, vỏ căng bóng, màu vàng tươi.
Anh Chương chia sẻ: Trước khi tham gia mô hình, gia đình tôi có 180 cây quýt ghép đã cho thu hoạch 3 năm. Trong đó, nhiều cây bị sâu bệnh, thiếu chất dinh dưỡng, quả nhỏ, vỏ sần sùi. Khi tham gia mô hình, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bón phân theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, vườn quýt đã phát triển tốt hơn, giảm hẳn tình trạng sâu bệnh. Vụ năm nay quả quýt đẹp và to hơn, quả loại 1 đạt từ 5 – 7 quả/kg. Năm nay, gia đình đã mạnh dạn mở dịch vụ trải nghiệm vườn quýt cho khách du lịch đến tham quan, hái quýt.
Theo ông Dương Doãn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh, mô hình “Hỗ trợ thực nghiệm chế phẩm hữu cơ trên cây quýt” triển khai tại thôn Lân Hát đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, quả quýt to, ngọt và ít hạt hơn. Tình trạng sâu bệnh trên cây quýt giảm hẳn, cây không bị bệnh vàng lá. Thành công của mô hình, sẽ góp phần giúp người dân biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật và bón phân phù hợp để cải tạo lại vườn quýt, nâng cao năng suất, chất lượng quả.
Theo số liệu từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, hiện nay, huyện Bắc Sơn có khoảng 520 ha quýt vàng, giảm gần 290 ha so với năm 2014. Nguyên nhân diện tích cây quýt giảm là do việc trồng, chăm sóc của bà con vẫn còn mang tính nhỏ lẻ. Việc chăm sóc cây sau thu hoạch của người dân vẫn chưa đúng cách dẫn đến tình trạng cây bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nhiều diện tích quýt bị thoái hóa.
Để người dân trên địa bàn huyện áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập từ cây quýt, đầu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã triển khai thực hiện mô hình “Hỗ trợ thực nghiệm chế phẩm hữu cơ trên cây quýt” tại xã Bắc Quỳnh. Thời gian triển khai mô hình từ tháng 1 đến tháng 11/2024 với quy mô vườn quýt rộng 0,3 ha, các cây quýt đã cho thu hoạch quả từ 3 năm trở lên.
Mô hình sử dụng phân hữu cơ Green compost và phân Ogranic fish của Công ty Lucavi bón trên cây quýt làm tơi xốp đất, khôi phục hệ vi sinh vật trong đất, giúp cây khỏe, ít nấm bệnh tạo ra sản phẩm quả quýt có chất lượng cao cho thị trường.
Triển khai mô hình, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn cho 18 hộ trồng quýt trên địa bàn xã để hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây quýt; cách thức sử dụng phân bón hợp lý đảm bảo cây phát triển tốt. Đối với hộ tham gia mô hình, trung tâm hỗ trợ 50 bao phân bón hữu cơ dạng viên, gần 100 lít phân bón hữu cơ dạng dung dịch.
Ông Dương Văn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn cho biết: Triển khai mô hình, chúng tôi đã hướng dẫn hộ dân tham gia mô hình các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, hỗ trợ chế phẩm sinh học hữu cơ Green compost và phân Ogranic fish của công ty Lucavi. Sau 11 tháng triển khai, cây quýt được chăm sóc theo kỹ thuật đều sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp hơn so với các cây quýt bà con chăm sóc thông thường; tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả cao hơn so với mọi năm. Năng suất ước tăng từ 4 tấn/ha lên hơn 6 tấn/ha, so với năng suất đại trà, mẫu mã sản phẩm đẹp, quả có độ đồng đều hơn.
Quýt vàng Bắc Sơn là một trong những loại quả đặc sản của Xứ Lạng được trồng ở các lân lũng, núi đá, chủ yếu ở các xã thuộc địa bàn huyện Bắc Sơn. Nhiều năm nay, quýt vàng Bắc Sơn đã trở thành cây trồng chủ lực, góp phần giúp các hộ dân giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Sơn sẽ tiếp tục mở rộng mô hình và nhân rộng mô hình chuyển đổi ghép cành quýt vào gốc cây bưởi, từng bước cải tạo giống quýt vàng của địa phương; đồng thời phổ biến các hộ trồng quýt sử dụng các chế phẩm hữu cơ bón cho cây, từng bước xây dựng mô hình theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Nguồn: https://baolangson.vn/phuc-hoi-giong-quyt-bac-son-5029056.html