– Từ đầu năm 2023 đến nay, trong khi việc giải ngân vốn đầu tư phát triển 2 chương trình mục tiêu quốc gia khác là chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững khá chậm thì kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) lại đạt cao nhất với tỷ lệ giải ngân đạt 77% kế hoạch vốn giao.
Nhà thầu thi công hoàn thiện công trình trường học tại xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện các công trình, dự án của tỉnh hơn 299 tỷ đồng (vốn trung ương giao đầu năm là hơn 161 tỷ đồng và tỉnh đổi ứng cho các huyện hơn 138 tỷ đồng). Trong đó, phân bổ gần 110 tỷ đồng để thực hiện khởi công mới 115 công trình, số còn lại để thực hiện thanh toán cho các công trình đã hoàn thành.
Tính đến hết tháng 8/2023, nhờ sự chủ động của các huyện, thành phố trong triển khai trình tự thủ tục đầu tư, 100% công trình khởi công mới đã được triển khai theo kế hoạch. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn giao với tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất trong số các nguồn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với nguồn vốn trung ương phân bổ, các huyện đã giải ngân đạt 78% kế hoạch vốn và đối với nguồn vốn đối ứng của tỉnh đã giải ngân đạt 76% kế hoạch vốn giao.
Huyện Văn Lãng là một trong số các huyện có kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển chương trình xây dựng nông thôn mới đạt cao của tỉnh. Năm 2023, huyện được giao kế hoạch vốn chương trình NTM là hơn 23 tỷ đồng. Trong đó, bố trí vốn thực hiện khởi công mới 6 công trình gồm 4 công trình trường học, 1 công trình nhà văn hoá và 1 công trình sân thể thao với kế hoạch vốn giao hơn 5,7 tỷ đồng, còn lại là thanh toán công trình đã hoàn thành.
Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Lãng cho biết: Để chủ động triển khai các công trình gắn với đẩy nhanh giải ngân vốn, huyện chủ động trước một bước công tác chuẩn bị đầu tư cũng như giải phóng mặt bằng. Đồng thời, khi ký hợp đồng xây lắp và triển khai thi công, ban thường xuyên kiểm tra tại thực địa công trình nhằm đôn đốc các nhà thầu.
Nhờ đó, tính đến hết tháng 8/2023, trong 6 công trình khởi công mới của huyện Văn Lãng đã có 3/6 công trình (3 công trình trường học tại xã Thanh Long) đã hoàn thành đưa vào sử dụng và 3/6 công trình đạt 65% khối lượng. Kết quả giải ngân đối với các công trình khởi công mới của huyện đạt 100% kế hoạch.
Khảo sát thực tế tại công trình bổ sung cơ sở vật chất Trường THCS xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng một ngày đầu tháng 9/2023, chúng tôi ghi nhận khí thế sản xuất trên công trường rất khẩn trương. Công trình có quy mô 2 tầng với 6 phòng học được khởi công tháng 4/2023 và dự kiến hoàn thành tháng 11/2023, tính đến đầu tháng 9/2023, công trình đã hoàn thành 85% khối lượng và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện các phần việc cuối cùng.
Ông Nguyễn Thành Kiên, Chỉ huy trưởng điều hành công trình Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Khánh Sơn LS cho biết: Để thúc đẩy tiến độ, ngay từ khi khởi công đến nay, nhà thầu luôn duy trì 3 tổ sản xuất với 20 công nhân tại hiện trường. Mục tiêu đơn vị đặt ra là phải đưa công trình hoàn thành cuối tháng 10/2023 theo đúng hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư.
Còn tại huyện Bắc Sơn, việc tổ chức triển khai các công trình nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và giải ngân vốn được huyện thực hiện rất chủ động và khẩn trương. Trong năm 2023, huyện Bắc Sơn phân bổ nguồn vốn khởi công mới 4 công trình gồm: 3 công trình trường học và 1 công trình nhà văn hoá với tổng kế hoạch vốn là hơn 6,7 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2023 đã có 2/4 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng và 2/4 công trình đã hoàn thành 60% giá trị khối lượng theo hợp đồng. Về kết quả giải ngân, huyện đã giải ngân được 35,9/48,8 tỷ đồng, tương đương 73,49% kế hoạch vốn giao.
Không chỉ huyện Văn Lãng và Bắc Sơn, hầu hết các huyện, thành phố đều có khối lượng giải ngân vốn nông thôn mới đạt khá cao. Cụ thể, đối với nguồn vốn trung ương phân bổ có 9/11 huyện, thành phố có tỷ lệ giải ngân đạt từ 73% đến 100% kế hoạch; đối với nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh, giải ngân đạt 76% kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án và giải ngân các nguồn vốn. Cụ thể, huyện chỉ đạo các chủ đầu tư, cơ quan đơn vị phải thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về giải ngân; xây dựng kế hoạch giải ngân đến từng công trình, nguồn vốn theo quý để kiểm soát cũng như gắn trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao phụ trách từng công trình dự án.
Nhờ đó, đến hết tháng 8/2023, huyện đã giải ngân được 16,9/22,3 tỷ đồng vốn xây dựng NTM giao đầu năm, tương đương 76% kế hoạch. Trong số 3 công trình khởi công mới, 1 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, 2 công trình khối lượng thực hiện đạt 60% kế hoạch.
Với kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển chương trình xây dựng NTM tích cực như hiện nay, hy vọng UBND các huyện, chủ đầu tư sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm và lan toả để thực hiện giải ngân tốt hơn đối với các nguồn vốn khác. Từ đó tạo động lực để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Phát huy kinh nghiệm trong giải ngân vốn Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng NTM, mỗi cơ quan, đơn vị lại có kinh nghiệm riêng phù hợp, hiệu quả. Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn nhanh đại diện một số cơ quan, đơn vị về vấn đề này. Bà Hứa Lịch Thiệp, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Sơn: “Tập trung hướng dẫn cấp xã trong giải ngân vốn đầu tư” Huyện Bắc Sơn có 10/18 xã được giao chủ đầu tư các công trình hạ tầng NTM gồm các công trình hạ tầng giao thôn nông thôn, xây dựng nhà văn hoá. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ các xã còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện thủ tục về chi đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, để hỗ trợ các xã hoàn thiện thủ tục hồ sơ giải ngân, Kho bạc Nhà nước huyện Bắc Sơn đã xây dựng bộ tài liệu là cẩm nang để hỗ trợ các xã thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, đơn vị đã hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ đối với từng loại chi phí cần gửi đến kho bạc, tránh trường hợp gửi thừa, gửi thiếu hồ sơ. Nhờ đó, trong 8 tháng đầu năm 2023, các chủ đầu tư cấp xã đã có nhiều tiến bộ trong thực hiện công tác giải ngân thanh toán và đang tiếp tục tập trung đôn đốc đẩy nhanh thi công làm căn cứ nghiệm thu hoàn thiện thủ tục hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn giao trong năm 2023. Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng: “Chủ động trong chuẩn bị đầu tư”. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình xây dựng NTM, huyện Văn Lãng luôn chủ động trước một bước trong việc xây dựng kế hoạch chuẩn bị đầu tư các công trình. Trong đó, danh mục các công trình NTM được xác định từ năm trước và huyện bố trí trước vốn để thực hiện công tác khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư. Do đó, hầu hết các công trình NTM của huyện đều đảm bảo tiến độ góp phần thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn theo kế hoạch. Tính đến hết tháng 8/2023, huyện đã giải ngân vốn chương trình xây dựng nông thôn mới trung ương giao được 12,6 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch vốn và giải ngân vốn đối ứng của tỉnh bổ sung 6 tháng cuối năm 2023 được 8,01 tỷ đồng, tương đương 75,6% kế hoạch. Bà Vy Thuý Thành, Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Hữu Lũng: “Tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư trong việc giải ngân nguồn vốn NTM”. Trong năm 2023, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM nguồn vốn trung ương giao cho huyện Hữu Lũng đầu tư là 35,6 tỷ đồng – cao nhất tỉnh. Do đó, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư và nhập mã dự án công trình, huyện còn tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư được giao thực hiện dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn được giao. Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Tài chính Kế hoạch huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành 5 công văn đôn đốc các đơn vị được giao chủ đầu tư và UBND các xã thúc đẩy giải ngân vốn chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư chương trình xây dựng NTM đến hết tháng 8/2023 của huyện được 25,8/35,6 tỷ đồng, tương đương 73% kế hoạch vốn. |