Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thêm một ngày thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa với diễn biến giá phân hoá. Lực bán áp đảo, đặc biệt là trên thị trường kim loại, kéo chỉ số MXV-Index đóng cửa ngày 6/9 quay đầu giảm 0,3% xuống 2.295 điểm. Giá trị giao dịch toàn sở đạt gần 3.600 tỷ đồng.
Nông sản là nhóm mặt hàng duy nhất duy trì được đà tăng trong ngày hôm qua. Trong khi đó, lực bán mạnh, chi phối xu hướng thị trường tiếp tục chủ yếu đến từ nhóm kim loại với 8/10 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Hai nhóm còn lại là năng lượng và nguyên liệu công nghiệp ghi nhận diễn biến giá các mặt hàng tương đối trái chiều.
Chuỗi tăng giá dài nhất trong một thập kỷ của giá dầu WTI
Chốt ngày giao dịch 6/9, giá dầu WTI đóng cửa ở mức 87,55 USD/thùng, tăng gần 1% so với phiên trước. Đây là phiên tăng giá thứ 9 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng giá theo ngày dài nhất kể từ năm 2010. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng phiên thứ 7 liên tiếp với mức tăng 0,62% lên 90,60 USD/thùng.
Theo MXV, lo ngại nguồn cung thắt chặt, cùng với một số dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ đã tiếp tục đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong hơn 9 tháng qua. Các nhà đầu tư tiếp tục tăng cường vị thế mua dầu trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng thắt chặt vào cuối năm.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Goldman Sachs cho biết các động thái của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) mang lại rủi ro tăng giá đáng chú ý. Các nhà phân tích của ngân hàng đã đưa ra một số kịch bản, bao gồm một kịch bản cho thấy giá dầu Brent mở rộng mức tăng lên trên 100 USD/thùng. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng đây không phải là quan điểm cốt lõi khi rủi ro tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn.
Củng cố cho đà tăng của giá dầu, dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 5,52 triệu thùng so với mức dự đoán giảm 2,1 triệu thùng của giới phân tích. Đây là tuần giảm thứ tư liên tiếp, trong khi tồn kho xăng cũng giảm mạnh 5,09 triệu thùng. Điều này nhấn mạnh yếu tố nguồn cung có xu hướng suy giảm, thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Tại Nga, xuất khẩu các sản phẩm dầu hiện cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, với dầu diesel và dầu nhiên liệu đạt tổng cộng 2,28 triệu thùng/ngày trong tháng 8, thấp hơn 9% so với tháng 7.
Trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, tiêu thụ dầu vẫn cho thấy mức ổn định. Tại Ấn Độ, tổng mức tiêu thụ trong tháng 8 đạt 18,57 triệu tấn, tăng 2,5% so với mức 18,11 triệu tấn trong tháng 7.
Giá đường giảm mạnh từ vùng đỉnh lịch sử
Kết thúc ngày giao dịch 6/9, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp chứng kiến sự phân hóa với sắc xanh đỏ đan xen. Đáng chú ý, giá đường đảo chiều giảm sâu sau khi đạt mức cao lịch sử.
Giá 2 mặt hàng đường trong phiên hôm qua ghi nhận mức giảm lần lượt 2,78% với đường trắng và 1,61% với đường 11. Lực bán chốt lời kết hợp cùng triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil đã gây sức ép lên giá.
Giới quan sát cho biết, khu vực sản xuất đường chính của Brazil sẽ đón nhận kiểu thời tiết khô ráo trong khung thời gian 15 ngày tới. Điều này giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất tích cực hơn. Trong niên vụ 2023/24, Brazil dự kiến sẽ có sản lượng đường tăng mạnh so với niên vụ trước. Sản lượng này sẽ bù đắp những thiếu hụt nguồn cung ở mức thấp tại Thái Lan và Ấn Độ.
Ở chiều ngược lại, giá 2 mặt hàng cà phê tăng nhẹ lần lượt 0,23% với Arabica và 0,12% với Robusta. Tồn kho cà phê trên Sở ICE ở mức thấp, khiến thị trường chưa thể thoát khỏi nỗi lo thiếu hụt nguồn cung cà phê toàn cầu trong ngắn hạn.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/gia-hang-hoa-nguyen-lieu-chua-thoat-khoi-xu-huong-phan-hoa-102230907082721421.htm