– Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ phát triển cây có múi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng không chỉ tập trung mở rộng diện tích trồng, chăm sóc mà còn mạnh dạn thực hiện kỹ thuật ghép đoạn cành cam Thái Lan (cam Thái) trên gốc bưởi. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế từ phát triển cây ăn quả trên địa bàn.
Là một trong những hộ tiên phong thực hiện kỹ thuật ghép đoạn cành cam Thái trên gốc bưởi tại địa bàn xã Tân Thành, ông Tạ Quang Lâm, thôn Gốc Gạo cho biết: Năm 2021, trong một lần sang chơi nhà người thân ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, tôi thấy người dân tại đây thực hiện ghép cam Thái trên gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, hiệu quả kinh tế cao, từ cuối năm 2021, tôi đã thuê người thực hiện kỹ thuật này trên hơn 100 gốc bưởi của gia đình.
Ông Lâm cho biết thêm: Quá trình thợ thực hiện kỹ thuật ghép, tôi cũng học hỏi kinh nghiệm và thực hành theo. Với kiến thức học được, dần dần tôi tự thực hiện thành công. Đến nay, gia đình có hơn 500 cây cam Thái được ghép trên gốc bưởi Diễn và bưởi da xanh. Năm nay là năm thứ 2, vườn cam Thái cho quả. Hiện đang chính vụ, gia đình đang thu hoạch và được tiểu thương thu mua tại vườn với giá 30.000 đồng/kg; gia đình bán lẻ tại các chợ với giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg. Dự kiến năm nay, gia đình thu trên 8 tấn cam Thái, mang lại thu nhập hơn 240 triệu đồng.
Cũng như hộ ông Lâm, nhận thấy việc thực hiện kỹ thuật ghép đoạn cành cam Thái trên gốc bưởi cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Vy Văn Lượng, thôn Ao Kham cũng thực hiện kỹ thuật này trên những gốc bưởi Diễn của gia đình. Anh Lượng cho biết: Gia đình tôi hiện có trên 600 cây cam Thái ghép trên các gốc bưởi Diễn. Năm nay là năm đầu tiên gia đình được thu hoạch quả. Từ tháng 11 âm lịch, gia đình đã bắt đầu cắt tỉa quả để bán. Vụ cam Thái năm nay, gia đình dự kiến thu hơn 6 tấn quả. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thực hiện kỹ thuật ghép đoạn cành cam Thái trên những gốc bưởi còn lại của gia đình.
Được biết, Tân Thành là xã có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi như: bưởi Diễn, bưởi da xanh… Tuy nhiên, từ khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây, giá thành bưởi thấp (nhất là bưởi Diễn) khiến bà con tìm hướng chuyển đổi sang những loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ năm 2021, trên địa bàn xã đã có hộ dân thực hiện thành công kỹ thuật ghép đoạn cành cam Thái trên gốc bưởi. Những cành cam Thái đầu dòng được người dân mua từ các nhà vườn ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, sau đó phân nhỏ và ghép lên gốc cây bưởi có sẵn trong vườn nhà. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật, sau 1 năm chăm sóc, nông dân sẽ thu hoạch được những lứa quả đầu tiên. Toàn xã hiện có khoảng 12 hộ dân thực hiện kỹ thuật ghép đoạn cành cam Thái trên gốc bưởi.
Ông Trương Xuân Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Đến nay toàn xã có khoảng 6 ha cam Thái ghép cành trên gốc bưởi. Năm nay, sản lượng cam Thái đạt từ 25 đến 30 tấn. Cam Thái ngọt thơm, vỏ mỏng, thường chín muộn hơn so với một số loại cam khác nên chủ yếu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Do đó, cam được tiểu thương mua với giá cao, góp phần nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế. Từ phát triển cam Thái, các hộ dân đã có thu nhập từ 40 đến trên 200 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, việc thực hiện thành công kỹ thuật ghép đoạn cành cam Thái trên gốc bưởi già không chỉ giúp người dân tận dụng được các gốc bưởi đã được đầu tư, chăm sóc nhiều năm mà còn rút ngắn được thời gian chăm sóc cây ra quả. Qua đó góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Nguồn: https://baolangson.vn/cai-tao-buoi-thanh-cam-thai-o-tan-thanh-nang-gia-tri-tang-hieu-qua-5034620.html