– Hữu Lũng là huyện có giao thông thuận lợi, khí hậu ôn hòa; cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng; hệ thống di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh và lễ hội truyền thống tiêu biểu, đặc trưng. Đặc biệt, Hữu Lũng là 1 trong 8 huyện, thành phố nằm trong Công viên địa chất Lạng Sơn… Đó là những lợi thế trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt với những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh, hấp dẫn khách du lịch.
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Huyện uỷ và hướng dẫn của các sở, ban, ngành của tỉnh, công tác phát triển du lịch trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã có những bước tiến đáng ghi nhận.
Đồng bộ trong chỉ đạo
Ngay sau khi có Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, huyện Hữu Lũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn huyện.
Trong đó, một số chỉ tiêu cụ thể được xác định như: thu hút trên 200 nghìn lượt khách tham quan, trong đó có trên 100 nghìn lượt khách lưu trú vào năm 2025 và thu hút trên 300 nghìn lượt khách tham quan du lịch, trong đó có trên 150 nghìn lượt khách lưu trú du lịch vào năm 2030; lao động trong lĩnh vực du lịch có trên 300 người vào năm 2025 và trên 500 người vào năm 2030, trong đó có trên 60% lao động được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ…
Đồng chí Trần Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã tập trung nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, xây dựng mới và nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các tiềm năng du lịch. Trong các năm từ 2022 – 2024, huyện đã cân đối ngân sách huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động các nguồn xã hội hoá xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Đến nay, toàn huyện có 4 điểm du lịch đạt chuẩn cấp tỉnh gồm: Điểm du lịch cộng đồng xã Yên Thịnh; Điểm du lịch cộng đồng xã Hữu Liên; Điểm du lịch đền Bắc Lệ xã Tân Thành; Điểm du lịch đền Quan Giám Sát xã Hòa Lạc và 16 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó, Di tích danh lam thắng cảnh Đồng Lâm, xã Hữu Liên được UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh từ năm 2021. Năm 2024, “Du lịch Đồng Lâm – Hữu Liên” và 19 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xã Hữu Liên đã được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Du lịch Đồng Lâm – Hữu Liên”.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Để thực hiện hiệu quả công tác phát triển du lịch, thời gian qua, huyện tập trung rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng tâm, trọng điểm; định hướng, tạo điều kiện khuyến khích phát huy các sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, huyện quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy xã hội hoá lĩnh vực du lịch…
Với đầu tư tập trung, hiện nay, huyện Hữu Lũng có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng đã được hình thành và phát triển như: sản phẩm dịch vụ leo núi thể thao mạo hiểm tại Xã Yên Thịnh, Yên Sơn; sản phẩm du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm các sản phẩm nông nghiệp tập trung ở các xã: Đồng Tân, Cai Kinh, Hoà Lạc, Yên Sơn, Yên Thịnh… Trong đó nổi bật là sản phẩm du lịch farmstay gồm: Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp xứ Lạng – Đồng Tân Rainbow Farm và Hợp tác xã Nông sản Đồng Tân – The Valley Farm cùng nằm trên địa bàn xã Đồng Tân. Sản phẩm du lịch tâm linh thu hút đông du khách như: Đền Bắc Lệ, Đèo Kẻng xã Tân Thành; đền Quan Giám Sát, Chầu Lục xã Hòa Lạc; đền Suối Ngang xã Hòa Thắng, đền Phú Vị xã Hồ Sơn…
Anh Hoàng Vũ, Chủ Homestay Sơn Thủy, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng cho biết: Xã Hữu Liên được thiên nhiên ưu đãi có cảnh quan đẹp nên gia đình tôi đã xây dựng và kinh doanh dịch vụ homestay, lượng khách du lịch đến với cơ sở của gia đình tôi cũng đều và đông. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách, tôi đã cải tạo thêm nhiều hạng mục, đồng thời tham gia các lớp tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực quản lý cũng như kỹ năng phục vụ để đáp ứng tiêu chuẩn của ASEAN, qua đó ngày càng thu hút khách du lịch đến với homestay của gia đình và địa phương.
Chị Nguyễn Thị Huệ, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tôi đã được đến Lạng Sơn nhiều lần, nhưng chủ yếu đi lễ đầu năm, cuối năm. Kỳ nghỉ hè vừa rồi, qua giới thiệu của bạn bè, tôi đã đưa cả gia đình đến du lịch trải nghiệm tại Làng du lịch sinh thái cộng đồng xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng.
Cùng với đó, huyện Hữu Lũng còn tăng cường hợp tác du lịch với các địa phương trong tỉnh để hình thành các tuyến du lịch như: Tuyến du lịch Hữu Lũng – Chi Lăng: Du lịch văn hóa tâm linh gắn với nghi thức hầu đồng: đền Bắc Lệ, xã Tân Thành – đền Suối Ngang, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng – đền Mỏ Ba, đền Chầu Bát, huyện Chi Lăng; tuyến du lịch Hữu Lũng – thành phố Lạng Sơn; du lịch văn hóa tâm linh dọc quốc lộ 1A: đền Bắc Lệ, xã Tân Thành – đền Quỷ Môn thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng – đền Kỳ Cùng, Tả Phủ, chùa Thành, thành phố Lạng Sơn. Tuyến du lịch sinh thái cộng đồng Hữu Lũng – Bắc Sơn: làng du lịch sinh thái cộng đồng xã Hữu Liên – làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn – du lịch sinh thái cộng đồng xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn.
Đồng Lâm – Thảo nguyên xanh hút khách du lịch
Một trong địa điểm thu hút khách du lịch và có cảnh quan đẹp, đặc biệt nhất tại huyện Hữu Lũng đó là thảo nguyên Đồng Lâm ở xã Hữu Liên. Đến với Đồng Lâm, du khách sẽ vô cùng choáng ngợp trước một thảo nguyên rộng lớn, với cảnh đẹp “sơn thuỷ hữu tình”. Thảo nguyên Đồng Lâm được bao quanh bởi dãy núi đá vôi hùng vĩ có độ cao trung bình trên dưới 600 m và hệ thống động thực vật của rừng nguyên sinh Hữu Liên. Đồng Lâm có hai mùa, mùa khô và mùa nước. Mỗi mùa lại có điểm độc đáo riêng khiến du khách luôn có những trải nghiệm khác nhau mỗi khi trở lại.
Anh Nguyễn Tuấn Việt, du khách đến từ thủ đô Hà Nội chia sẻ: Tôi đã được đến Đồng Lâm vào 2 mùa khác nhau, không thể tin cùng một địa điểm mà lại có tới 2 khung cảnh nên thơ như vậy. Khoảng từ tháng Tư đến tháng Chín hằng năm, nước dâng lên cao phủ kín cánh đồng cỏ, biến thảo nguyên Đồng Lâm thành một hồ nước trong xanh giữa lòng núi rộng lớn tạo nên khung cảnh non nước nên thơ. Tham quan Đồng Lâm vào mùa này, tôi đã được trải nghiệm trên chèo bè mảng rất thú vị. Còn khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Ba hằng năm thì tham quan Thảo nguyên Đồng Lâm trên cạn. Chúng tôi đã cắm trại trên đồng cỏ xanh mướt, ngắm nhìn đàn ngựa bạch thong thả gặm cỏ và trải nghiệm cưỡi ngựa thong dong, thực sự quá đỗi yên bình.
Chính sự độc đáo của thảo nguyên Đồng Lâm đã thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Hữu Liên đã đầu tư, xây dựng môi trường du lịch văn minh, theo kịp xu hướng nhưng không làm mất đi văn hóa truyền thống. Nhiều hộ kịp thời nắm bắt thời cơ, xu hướng và tham gia phát triển kinh doanh cơ sở lưu trú theo hình thức homestay. Các homestay được người dân xây dựng, cải tạo, trang trí đẹp mắt, đầu tư trang thiết bị phòng ốc tiện nghi. Ẩm thực ở Hữu Liên cũng rất đa dạng và mang hương vị đặc trưng của người dân bản địa. Các món ăn đặc sản của địa phương được người dân chế biến tỉ mỉ, cẩn thận theo công thức riêng tạo nên những hương vị độc đáo đối với du khách.
Với tiềm năng du lịch độc đáo, hấp dẫn, không chỉ Hữu Liên mà các điểm du lịch cộng đồng khác tại huyện Hữu Lũng ngày càng thu hút nhiều đơn vị, tổ chức, công ty du lịch đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch như: cắm trại, chèo thuyền, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Có thể thấy, du lịch đang tạo ra sự thay đổi về cơ cấu kinh tế của các xã, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Đồng chí Phan Hồng Tiến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Hiện nay, huyện Hữu Lũng đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư vào các vùng phát triển du lịch tại địa phương. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các điểm du lịch cộng đồng theo hướng văn minh, hiện đại, chất lượng cao, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh nhưng vẫn gìn giữ, bảo tồn được nét truyền thống rất riêng của con người, thiên nhiên nơi đây. Để quảng bá du lịch của huyện, ngày 15 và 16/11 tới đây huyện sẽ tổ chức Lễ hội thảo nguyên Đồng Lâm huyện Hữu Lũng năm 2024. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng góp phần xúc tiến, quảng bá các giá trị văn hóa, sản phẩm du lịch để thu hút du khách trong và ngoài huyện. Thông qua các hoạt động tại lễ hội sẽ là dịp để quảng bá, tuyên truyền giới thiệu tiềm năng, lợi thế về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và những chính sách thu hút đầu tư trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện Hữu Lũng.
Nguồn: https://baolangson.vn/du-lich-huu-lung-tiem-nang-va-co-hoi-phat-trien-5027881.html