Đưa ra dự báo về chính sách tiền tệ trong thời gian tới, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, dư địa cắt giảm lãi suất bị hạn chế do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế.
Sau nhiều tháng liên tục điều chỉnh giảm mạnh, một số ngân hàng bất ngờ “quay đầu” tăng lãi suất huy động, nhất là từ đầu tháng 4 đến nay. Theo biểu lãi suất mới nhất được các ngân hàng thương mại niêm yết, mức lãi suất huy động đã được điều chỉnh tăng từ 0,2-0,9%/năm so với các tháng trước đó.
Lãi suất huy động trái chiều, tăng chiếm ưu thế
Kể từ đầu tháng 4 đến nay, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank. Trong đó, VPBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất lần thứ hai trong tháng. Trước đó, VPBank, Eximbank, SHB, Saigonbank đã tăng lãi suất từ cuối tháng 3/2024.
Riêng trong ngày 24/4, tiếp tục có thêm hai ngân hàng tăng lãi suất huy động và một ngân hàng thuộc nhóm Big4 điều chỉnh giảm sau khi tăng ngày 16/4. Cụ thể, theo biểu lãi suất huy động trực tuyến mới nhất, ngân hàng PVComBank tăng 0,3 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn từ một đến năm tháng lên mức 3,15%/năm.
Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 18-36 tháng cũng được ngân hàng này tăng thêm 0,2 điểm phần trăm, hiện niêm yết ở mức 5,3%/năm. Cùng ngày, BVBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng thêm 0,05 điểm phần trăm, lên mức 3,1%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn sáu tháng tăng thêm 0,05 điểm phần trăm, lên mức 4,1%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tăng thêm 0,05 điểm phần trăm lên mức 4,7%/năm.
Ở chiều ngược lại, lãi suất huy động tại VietinBank đã quay đầu giảm vào sáng 24/4, sau khi bất ngờ tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn từ một đến năm tháng và 24-36 tháng ngày 16/4. Mức giảm 0,1 điểm phần trăm được VietinBank áp dụng lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 1-11 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn từ một đến hai tháng còn 1,8%/năm, kỳ hạn từ ba đến năm tháng còn 2,1%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng giảm còn 3,1%/năm.
Trước những biến động lãi suất trong hai tháng gần đây, chuyên gia kinh tế – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán,… đang có tín hiệu phục hồi và thu hút dòng tiền trở lại. Ngoài ra, ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm tránh việc người dân rút tiền VND đầu cơ USD trong bối cảnh tỷ giá VND/USD đang tăng. Mặt khác, chính bản thân các ngân hàng cũng đang cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đón xu hướng tăng tín dụng trong thời gian tới.
Khả năng giảm lãi vay bị hạn chế
Theo các chuyên gia, dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động không còn nhiều vì mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Tình hình huy động vốn ba tháng đầu năm sụt giảm. Do đó, dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ thanh khoản, các ngân hàng vẫn cần tăng lãi suất huy động để hút thêm tiền gửi, tránh ảnh hưởng đến hoạt động cho vay khi dự báo nhu cầu vay vốn của nền kinh tế đang quay trở lại. Cùng với đó, áp lực từ lạm phát, tỷ giá đang có xu hướng tăng lên…
Từ đó, dự báo lãi suất huy động có thể sẽ tăng 0,5-1%/năm từ nửa sau năm 2024 nhờ doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong tiếp cận tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh; đồng thời, theo xu hướng thông thường, nửa cuối năm cũng là giai đoạn tín dụng tăng cao hơn so với nửa đầu năm.
Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh vẫn cho rằng, mặt bằng chung của lãi suất huy động có thể không tăng quá nhiều trong vài tháng tới, bởi lẽ chủ trương lãi suất cho vay ở mức thấp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn được duy trì để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Điều này đòi hỏi các ngân hàng cần tính toán lãi suất ở mức hợp lý.
Trong khi đó, về chính sách tiền tệ, theo WB, dư địa cho việc cắt giảm thêm lãi suất bị hạn chế do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế. Theo chuyên gia Dorsati Madani, vẫn cần tiếp tục có chính sách tạo thuận lợi thích ứng, nhưng trong thực tế đang có sự khác biệt giữa lãi suất tại Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. “Dư địa để cắt giảm lãi suất tiếp theo không còn nhiều. Về mặt tiềm năng, bất cứ lần cắt giảm lãi suất tiếp theo có thể sẽ tạo áp lực đối với tỷ giá”, chuyên gia này cảnh báo.
Trên thực tế, trước diễn biến lãi suất với xu hướng các ngân hàng tăng lãi suất huy động chiếm số lượng nhiều hơn các ngân hàng điều chỉnh giảm, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại lãi suất cho vay cũng tăng. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho hay, bức tranh hoạt động sản xuất và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp hiện chưa được cải thiện rõ.
Thống kê khảo sát riêng các doanh nghiệp ở Hà Nội cho thấy, có tới 52% số doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng để sản xuất, 32% số doanh nghiệp khó tiếp cận vốn và 9% lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế. Vì vậy, nếu các ngân hàng tăng lãi suất cho vay dịp này, doanh nghiệp sẽ càng gặp khó khăn.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa được công bố, Ngân hàng Standard Chartered dự báo lãi suất sẽ được giữ ở mức 4,5% cho đến cuối quý III và có thể tăng 50 điểm cơ bản trong quý IV. “Việt Nam đang nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư thuận lợi và sức ảnh hưởng của quan hệ thương mại từ Mỹ-Trung Quốc.
Với kinh tế đang trên đà phục hồi, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ ít cần hỗ trợ hơn”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết. Chính sách tiền tệ VND sẽ được cân bằng dựa trên những cải thiện từ yếu tố bên ngoài và dự trữ ngoại hối gia tăng. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sẽ hỗ trợ cho tiền tệ trong khi nhập khẩu cũng được cải thiện. Ngân hàng dự báo thặng dư tài khoản vãng lai sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2024.
Một số chuyên gia kinh tế cũng đưa ra dự báo lạc quan hơn khi nhận định, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể, bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các ngân hàng thương mại sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể nếu vẫn muốn đạt chỉ tiêu lợi nhuận chung cuối năm. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả như mong đợi.