– Ngày 13/6/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 320-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân. Do đó, bên cạnh các kênh thông tin như tiếp dân, tiếp xúc cử tri, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cấp xã đã tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại để tăng cường chia sẻ, giải quyết trực tiếp nhiều vấn đề cho người dân.
Đoàn viên thanh niên huyện Hữu Lũng kiến nghị, đề xuất một số nội dung liên quan đến công tác đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp tại hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với thanh niên năm 2023
Thực hiện Quyết định 320, công tác đối thoại đã từng bước đi vào nền nếp, là kênh thông tin quan trọng để nắm tình ở cơ sở; tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với người dân. Qua từng năm, số lượng các cuộc đối thoại ngày càng nhiều hơn, đồng thời hoạt động đối thoại cũng đi vào chiều sâu, tổ chức thành các chuyên đề tập trung giải quyết một hoặc một nhóm các vấn đề người dân quan tâm.
Tăng cường đối thoại
Tháng 4/2023, nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng đường bê tông nông thôn tại hai thôn Nà Lai, Nè Tẻng, Đảng ủy xã Vạn Linh tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân trên địa bàn. Ông Hoàng Khương, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng cho biết: Tại cuộc đối thoại, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn ủng hộ, đồng thuận chủ trương làm đường bê tông. Tại cuộc đối thoại đã có 8 ý kiến của người dân liên quan đến việc hiến đất mở rộng đường, cung ứng xi măng, đóng góp ngày công làm đường. Tất cả các ý kiến đều được giải đáp ngay tại hội nghị.
Ngay sau hội nghị, người dân tại hai thôn Nà Lai, Nà Tẻng đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức bê tông hóa hơn 2 km đường bê tông trục thôn. Tháng 8 vừa qua, con đường đã hoàn thành.
Tương tự, tháng 6/2023, trước những phản ánh của người dân về công tác quản lý đền Bắc Lệ, Đảng ủy xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng đã tổ chức đối thoại với người dân thôn Bắc Lệ về việc bầu Ban Quản lý đền nhiệm kỳ 2023 – 2026. Tham gia hội nghị đối thoại còn có lãnh đạo UBND huyện và lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại đây, người dân đã bày tỏ các ý kiến, thắc mắc liên quan đến quy trình bầu Ban Quản lý đền Bắc Lệ. Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã đã trả lời một số ý kiến thuộc thẩm quyền. Cùng đó, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trực tiếp trả lời và hướng dẫn người dân các vấn đề liên quan đến quy trình bầu theo quy định hiện hành.
Ngoài hai đơn vị trên, từ đầu năm 2023 đến nay, các huyện ủy và đảng ủy cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được hơn 60 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân trong đó có 7 cuộc cấp huyện và hơn 50 cuộc cấp xã. Qua đối thoại đã ghi nhận và giải đáp cơ bản các ý kiến của người dân về quản lý đất đai, tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết chế độ, chính sách cho người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông…
Qua từng năm, số lượng các cuộc đối thoại và tần suất tổ chức đối thoại tại các xã, huyện tăng lên. Như trong năm đầu tiên (năm 2017) chỉ một số huyện, xã tổ chức đối thoại. Từ năm 2020 trở lại đây số lượng các cuộc đối thoại tăng lên, trong đó tại các xã, thị trấn ở huyện Lộc Bình, Bắc Sơn, Chi Lăng đều tổ chức 2 – 3 cuộc đối thoại/năm. Cùng với các cuộc đối thoại định kỳ, nhiều cấp ủy đã tổ chức đột xuất các cuộc đối thoại chuyên đề để tập trung giải quyết một số vấn đề cho người dân như: chuyên đề về bồi thường, giải phóng mặt bằng; chuyên đề làm đường giao thông nông thôn; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; giữ vệ sinh môi trường…
Người dân thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình phát biểu ý kiến tại hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân trên địa bàn
Nâng cao chất lượng đối thoại
Song song với việc tăng số lượng các cuộc đối thoại, các cấp ủy từng bước nâng cao chất lượng đối thoại.
Chi Lăng là ví dụ điển hình trong việc đưa hoạt động đối thoại ngày càng đi vào chiều sâu. Ông Long Văn Nhân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chi Lăng cho biết: Thời gian qua, các xã, thị trấn trên địa bàn luôn chủ động xây dựng kế hoạch đối thoại và triển khai hoạt động này với nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị mình. Bên cạnh đó, qua theo dõi, nắm tình hình, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng định hướng, chỉ đạo các đảng ủy cơ sở tổ chức các cuộc đối thoại chuyên đề để kịp thời giải quyết vấn đề bức xúc, nổi cộm hoặc vấn đề người dân quan tâm trên địa bàn.
Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2023, các xã trên địa bàn huyện đã tổ chức được hơn 20 cuộc đối thoại trong đó có nhiều chuyên đề gắn với thực tiễn như: đối thoại về làm đường giao thông tại xã Vạn Linh, đối thoại với người dân có cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng khi thi công tuyến đường liên xã thị trấn Chi Lăng – xã Y Tịch ở xã Y Tịch, đối thoại với người dân về hoạt động sản xuất, thu mua thuốc lá trên địa bàn tại xã Bằng Mạc…
Để nâng cao chất lượng, sau các cuộc đối thoại, cấp ủy chú trọng ban hành thông báo kết luận giao cơ quan liên quan nghiên cứu, giải quyết, đồng thời đôn đốc, theo dõi sát sao tiến độ thực hiện các vấn đề được người dân kiến nghị tại cuộc đối thoại. Việc giải quyết phải rõ ràng, công khai, minh bạch, qua đó tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Đầu tháng 8 vừa qua, UBND huyện Lộc Bình tổ chức cuộc tiếp xúc, đối thoại xem xét nhu cầu, điều kiện bố trí tái định cư của các hộ, cá nhân phải di chuyển chỗ ở do thu hồi đất thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3 + 700 đến Km 18) (địa phận huyện Lộc Bình) tại xã Khánh Xuân. Tại đây, các hộ dân được phổ biến chủ trương, các quy định của pháp luật về bồi thường đất, đồng thời được kiến nghị, được trả lời các thắc mắc về bố trí tái định cư, diện tích, giá lô đất tái định cư, thời gian giao đất tái định cư… Sau đối thoại, UBND huyện đã và đang chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn xem xét phê duyệt các kiến nghị của người dân về tái định cư, đáp ứng nguyện vọng chính đáng cho người dân.
“Đối thoại là kênh thông tin quan trọng, góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn phát huy tinh thần làm chủ của người dân, người dân được gặp gỡ trực tiếp với lãnh đạo để đóng góp ý kiến vào công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở; được phản ánh, đề đạt nguyện vọng và được trả lời, giải quyết những kiến nghị chính đáng.” Đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy |
Không chỉ ở cấp huyện, tại cấp cơ sở, các cuộc đối thoại cũng mang lại những kết quả tích cực. Như sau cuộc đối thoại ngày 31/8 vừa qua, nhiều ý kiến của người dân thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình đang được xem xét giải quyết. Ông Hoàng Văn Ba, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Na Dương Nà Phải cho biết: Tại cuộc đối thoại, chúng tôi được trao đổi, thẳng thắn góp ý, đề xuất kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo thị trấn nhiều vấn đề, trong đó có nội dung về bê tông hóa giao thông nông thôn. Được biết, chủ trương làm đường đã được cấp trên đồng thuận, cung ứng xi măng và hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại người dân đều nhất trí hiến đất và đóng góp ngày công, tiền của. Hiện nay, nhà thầu đã chuẩn bị thi công tuyến đường.
Đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Việc tăng cường đối thoại, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến từ cơ sở là sự đổi mới về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Đối thoại là kênh thông tin quan trọng, góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn phát huy tinh thần làm chủ của người dân, người dân được gặp gỡ trực tiếp với lãnh đạo để đóng góp ý kiến vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở; được phản ánh, đề đạt nguyện vọng và được trả lời, giải quyết những kiến nghị chính đáng, từ đó sẽ thấy hài lòng và tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền.
Từ việc thực hiện tốt công tác đối thoại tại các cấp trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị toàn tỉnh. Sau nửa nhiệm kỳ, cơ bản các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng, trong đó một số chỉ tiêu vượt mức kế hoạch. Trong đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt 7,11%; kinh tế cửa khẩu được tập trung phát triển nhanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội được đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, hướng mạnh về cơ sở.
Bí thư cấp ủy các cấp tiếp 165 lượt công dân
Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, trong 8 tháng đầu năm 2023, bí thư cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp được 165 lượt công dân. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy tiếp được 2 kỳ với 3 lượt công dân; bí thư các huyện ủy, thành ủy tiếp được 32 lượt và bí thư các xã, phường, thị trấn tiếp được 130 lượt công dân. Các kiến nghị, phản ánh của công dân đã được bí thư cấp ủy các cấp tiếp thu, giải thích các nội dung thuộc thẩm quyền và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết theo quy định. Tiếp nhận và xử lý 451 đơn thư Theo thống kê của Ban Nội chính Tỉnh ủy, trong 8 tháng đầu năm 2023, Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp nhận tổng số 451 đơn thư các loại. Nội dung các đơn thư chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, bồi thường, tái định cư, việc thực hiện chế độ, chính sách trên địa bàn… Sau khi tiếp nhận, cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu, phân loại và tham mưu xử lý 451/451 đơn thư theo đúng trình tự và quy định. |