– Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của người dân, việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã biên giới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn xã vùng biên không ngừng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Thi công đường giao thông nông thôn tại xã biên giới Trùng Khánh, huyện Văn Lãng
Xây dựng NTM ở những xã có điều kiện địa hình, kinh tế thuận lợi đã khó, ở các xã biên giới, nơi có địa hình chia cắt, dân cư sinh sống không tập trung, kinh tế hạn chế còn khó khăn hơn rất nhiều. Khó khăn như vậy, song cùng với sự chung sức của người dân, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cân đối, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ các xã biên giới xây dựng NTM. Qua đó, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới. Xã biên giới Tam Gia, huyện Lộc Bình là một ví dụ.
Ông Phương Văn Duy, thôn Bản Tre, xã Tam Gia cho biết: Trước đây, con đường liên thôn Bản Tre – Co Lượt là đường đất, quanh co, nhỏ hẹp. Năm 2022, khi Nhà nước có chủ trương làm con đường này, gia đình tôi đã tự nguyện hiến 520 m2 đất. Từ diện tích đất hiến của gia đình tôi và các hộ dân khác cùng với sự đầu tư của Nhà nước, con đường bê tông được xây dựng với chiều dài 1,2 km, rộng 3 m. Con đường hoàn thành không chỉ giúp đổi thay diện mạo nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Ngoài đường Bản Tre – Co Lượt, năm 2022, cùng với sự chung sức của người dân, UBND huyện Lộc Bình đã cân đối, lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ xã Tam Gia xây dựng thêm 6 tuyến đường giao thông với chiều dài hơn 10 km; xây dựng, nâng cấp 9 nhà văn hóa thôn, 1 nhà văn hóa xã; hỗ trợ 12 hộ dân kéo điện lưới quốc gia; xây dựng các công trình trường học… Các công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân. Đồng thời, trực tiếp góp phần giúp xã Tam Gia hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11/20 xã biên giới được công nhận đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn ở các xã biên giới không ngừng thay đổi, trong đó ở các xã đã đạt chuẩn NTM có 100% tuyến đường trục xã, trục thôn, trên 70% tuyến đường ngõ, xóm được cứng hóa. Các mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng đã từng bước góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân xã biên giới. Đến nay, 11/20 xã biên giới có thu nhập bình quân đầu người từ 39 triệu đồng/người/năm trở lên… |
Tương tự Tam Gia, trong quá trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở xã biên giới Trùng Khánh, huyện Văn Lãng cũng có những đổi thay rõ nét. Ông Nông Văn Ngoan, Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh cho biết: Cùng với việc hạ tầng được củng cố, xã còn phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ cho người dân trên địa bàn xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp, hiệu quả như mô hình trồng cây mắc ca, cây dược liệu, chăn nuôi, trồng rừng… Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng 12 triệu đồng so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 2-3%/năm, đến nay còn 12,9%. Xã Trùng Khánh được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022.
Ngoài 2 xã biên giới kể trên, trong những năm qua, các cấp, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng NTM ở xã biên giới trên địa bàn tỉnh. Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Để triển khai xây dựng NTM ở xã biên giới, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự chung sức của người dân để thực hiện các tiêu chí.
Theo đó, hằng năm, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức tuyên truyền chuyên đề, tuyên truyền lồng ghép nội dung liên quan đến xây dựng NTM tại các xã biên giới được trên 80 cuộc với gần 5.000 lượt người tham dự; tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM, đại diện các thôn được 30 lớp với khoảng 2.500 lượt người tham dự… Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các cấp, ngành liên quan còn chỉ đạo cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang tích cực tham gia phong trào ngày cuối tuần xuống cơ sở chung sức xây dựng NTM…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11/20 xã biên giới được công nhận đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn ở các xã biên giới không ngừng thay đổi, trong đó ở các xã đã đạt chuẩn NTM có 100% tuyến đường trục xã, trục thôn, trên 70% tuyến đường ngõ, xóm được cứng hóa; 100% nhà văn hóa xã, thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng khác được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Các mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng đã từng bước góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân xã biên giới. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 11/20 xã biên giới có thu nhập bình quân đầu người từ 39 triệu đồng/người/năm trở lên…