– Nhìn lại một nửa nhiệm kỳ hoạt động, cử tri trong tỉnh đánh giá rất cao nỗ lực đổi mới, sâu sát của Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 – 2026 cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh.
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Thời gian qua, các ĐBQH trong đoàn luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu, chủ động, tích cực thực hiện tốt trách nhiệm; nỗ lực đưa hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng thiết thực, hiệu quả và chất lượng.
Sôi nổi trên nghị trường
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc về các chính sách vùng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV, nhiệm kỳ 2021 -2026 (tháng 6/2023) |
Công tác tham gia xây dựng các dự án luật được Đoàn ĐQBH tỉnh rất chú trọng. Thời gian qua qua, trên cơ sở nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Đoàn phân công từng ĐBQH theo lĩnh vực chuyên ngành phụ trách, phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức lấy ý kiến đối với các dự án luật; thường xuyên cải tiến phương pháp tổ chức, cách thức lấy ý kiến nhằm huy động được nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia tham gia. Từ năm 2021 đến nay, Quốc hội khoá XV đã tổ chức 5 kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia các kỳ họp đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm, đóng góp ý kiến xây dựng 25 dự án luật thông qua và 27 dự án luật cho ý kiến, 88 nghị quyết và nhiều chủ trương chính sách phát triển kinh tế – xã hội khác.
Đoàn cũng phân công các ĐBQH nghiên cứu chuyên sâu để có những ý kiến tham gia đóng góp vào các dự thảo luật tại các kỳ họp. Nhiều ý kiến có chất lượng, sát với thực tiễn cuộc sống, mang tính phản biện cao đã được ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, giải trình, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua.
Trước khi tham gia kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu luôn có sự chuẩn bị rất nghiêm túc, kỹ càng. Tại các kỳ họp, các ĐBQH tỉnh không chỉ tham gia bàn sâu về các dự án luật được trình, mà còn thẳng thắn, tâm huyết nêu ý kiến và đề xuất thêm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho sự phát triển của tỉnh.
Đơn cử như tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (2 đợt, kéo dài từ ngày 22/5 đến ngày 24/6/2023), các ĐBQH tỉnh đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu và tham gia phát biểu 30 lượt ý kiến góp ý vào các dự thảo luật và một số nội dung quan trọng (trong đó, có 11 lượt ý kiến phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường, 19 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ). Các ĐBQH trong đoàn đã có 3 lượt chất vấn, tranh luận tại hội trường. Ý kiến chất vấn, tranh luận của ĐBQH tỉnh đã phản ánh được những vấn đề bức xúc của xã hội, những vấn đề còn tồn tại trong quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Các đại biểu trong đoàn còn tích cực tham gia các hoạt động của các ủy ban của Quốc hội mà ĐBQH là thành viên; tích cực trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong thời gian giải lao các phiên họp. Thông qua đó tiếp tục nêu quan điểm, ý kiến của mình, đề xuất ý kiến, hiến kế giải quyết các vấn đề cử tri, xã hội đang quan tâm, mong đợi.
Cử tri Hoàng Thị Hằng, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Theo dõi các kỳ họp của Quốc hội trên các phương tiện truyền thông, tôi thấy rằng các ĐBQH của tỉnh đã phát biểu sôi nổi ở tổ và trên nghị trường, đồng thời thông tin, chuyển tải kịp thời các ý kiến của cử tri tại các kỳ họp rất đầy đủ, như các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết những khó khăn trong cơ chế, chính sách học nghề, tạo việc làm của người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn dành cho giảm nghèo…
Đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri
Thời gian qua, bên cạnh hình thức tiếp xúc cử tri (TXCT) trước và sau kỳ họp tại đơn vị ứng cử, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tổ chức các buổi TXCT theo chuyên đề, đối tượng, tiếp cử tri tại nơi làm việc, nơi cư trú của ĐBQH; tổ chức cho ĐBQH luân phiên TXCT ở các huyện, thành phố. Qua đó đã kịp thời nắm bắt, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri ở nhiều nội dung và trên nhiều lĩnh vực. ĐBQH tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất đã theo dõi, giám sát đến cùng việc xử lý các kiến nghị, bức xúc; đồng thời, đưa ra những kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết thấu đáo các vấn đề mà cử tri quan tâm.
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 15 cuộc TXCT với tổng số trên 1 nghìn đại biểu cử tri tham dự, trong đó có 2 cuộc TXCT chuyên đề. Qua các cuộc TXCT đã có 107 lượt cử tri phát biểu; tổng hợp, phân loại được 279 kiến nghị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó 163 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương, 116 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan ở địa phương.
Bà Bế Thị Hoà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Từ sau cuộc TXCT chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh, chúng tôi đã tổng hợp các ý kiến của cử tri, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan quan tâm, giải quyết các vấn đề cử tri nêu thuộc thẩm quyền. Đây là cuộc TXCT chuyên đề đầu tiên của Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức với lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chúng tôi rất phấn khởi và thấy rằng hoạt động TXCT đã được đổi mới hơn, không chỉ TXCT ở các huyện, thành phố nữa mà còn dành chuyên đề riêng cho đoàn viên công đoàn, người lao động. Nhờ đó cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn được bày tỏ ý kiến đóng góp vào sửa đổi các điều luật, chính sách xã hội tới Đoàn ĐBQH, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan. Thông qua đó nhằm góp phần ổn định tư tưởng, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vững tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách phát triển của đất nước, của tỉnh.
Tăng cường các hoạt động giám sát
Đoàn ĐBQH tỉnh xác định công tác giám sát là một trong những nội dung rất quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với HĐND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức giám sát trên địa bàn tỉnh 7 chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung: sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021; việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng trong quản lý, sử dụng nguồn lực giai đoạn 2016 – 2021; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19… Công tác tổ chức giám sát và ban hành báo cáo kết quả giám sát bảo đảm theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh năm 2022, đoàn đã ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát, kế hoạch giám sát và tổ chức giám sát 2 chuyên đề: Việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2020 – 2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã cử ĐBQH tham gia làm việc với Tổ công tác của Đoàn công tác số II của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030” tại tỉnh Lạng Sơn.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Những nội dung được giám sát đều là những vấn đề cử tri, dư luận đặc biệt quan tâm. Qua giám sát, các cấp chính quyền địa phương đánh giá một cách nghiêm túc tình hình tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ. Cũng qua giám sát, từ thực tiễn của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề xuất những chủ trương, giải pháp với Quốc hội; đồng thời, cùng với chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện những vấn đề nêu trên.
Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn và ĐBQH, chuyển tải kịp thời ý kiến của cử tri tới Quốc hội, phát huy vai trò đại biểu dân cử, tâm huyết, trách nhiệm với cử tri.