Càng gần đến Trung thu, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội đã ngập tràn các loại đồ chơi từ truyền thống đến hiện đại. Theo các tiểu thương, năm nay, giá các loại đồ chơi phục vụ Tết Trung thu không tăng so với những năm trước nhưng dự kiến lượng tiêu thụ sẽ giảm.
Hàng phong phú nhưng sức mua chậm
Có mặt tại phố Hàng Mã, nơi được coi là “thủ phủ” đồ chơi trung thu của Thủ đô, hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là sự phong phú, đa dạng với đủ màu sắc của các loại đồ chơi. Mặt hàng đồ chơi trong nước sản xuất, đặc biệt là đồ chơi truyền thống như mặt nạ chú Tễu, đèn kéo quân, trống bỏi, đèn ông sao, đèn con cá, đèn cù, đầu lân… được bày bán ở hầu hết các cửa hàng, thu hút sự chú ý của người dân.
Nhiều nhất trong các loại đồ chơi phải kể đến là các loại đèn lồng với đủ các chất liệu từ đèn lồng giấy, đèn lồng bóng kính cho đến đèn lồng nhựa với nhiều hình thù sinh động như ông sao, con cá, siêu nhân, mèo Kitty… Theo các chủ kinh doanh, một số loại đèn lồng chủ yếu được sản xuất từ các làng nghề trong nước như làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội)…, còn lại nhập từ nước ngoài về. Để hấp dẫn trẻ nhỏ, ngoài những loại đèn lồng truyền thống làm bằng bóng kính như đèn ông sao, đèn con cá…, hầu hết các loại đèn lồng đều có thể phát sáng và phát nhạc. Giá mỗi chiếc đèn lồng dao động từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng/chiếc. Chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, đèn lồng cá đắt nhất năm nay có chiều dài 1m giá 300.000 đồng, loại 0,6m giá 150.000 đồng. Tuy nhiên, do số lượng ít, đến thời điểm này không còn hàng để bán buôn, chỉ còn số ít để bán lẻ.
Không thể thiếu trong các loại đồ chơi mỗi khi Tết Trung thu về là các loại mặt nạ. Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc mặt nạ truyền thống được làm thủ công hình chú Tễu, ông địa múa lân, các con vật… được bày bán khá nhiều, có giá từ 50.000 đồng-90.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ. Những chiếc mặt nạ này được nhiều cơ quan, trường học… đặt mua số lượng lớn để trang trí dịp Tết Trung thu.
Bên cạnh đồ chơi truyền thống, tại các cửa hàng, đồ chơi trung thu có xuất xứ từ nước ngoài cũng vẫn được nhiều chủ hàng bày bán, chủ yếu là các loại đồ chơi như súng nhựa, kiếm nhựa, ô tô điều khiển, mặt nạ phát nhạc… Như chiếc trống bỏi các kích cỡ được bán với giá từ 20.000 đồng – 50.000 đồng/chiếc, khi chúng tôi hỏi xuất xứ, chủ cửa hàng giới thiệu “Made in Việt Nam”. Nhưng khi chúng tôi thắc mắc “hàng Việt Nam sao toàn dán mác chữ Trung Quốc?”, chủ cửa hàng “ngơ ngác” kêu “không biết nữa”. Trống bỏi trong nước sản xuất được bày bán rất ít, thỉnh thoảng mới xuất hiện, có giá 60.000-100.000 đ/chiếc. Tại một số sạp hàng, chúng tôi bắt gặp bày bán đèn lồng thỏ được làm bằng nan tre, bên trong có chú thỏ nhỏ. Thoạt nhìn, ai cũng tưởng đây là đồ chơi trong nước, nhưng lại gần thì đều dán chữ Trung Quốc. Khi được hỏi xuất xứ, chủ hàng chỉ nói chung chung, không rõ ở đâu sản xuất. Hay như đồ chơi đang “hot” năm nay được nhiều người lựa chọn cho các bé gái là cánh bướm điện có thể tự xòe ra, đóng vào và phát sáng lấp lánh, được trang trí khá diêm dúa. Nếu như cánh bướm thường có giá khoảng 50.000 đồng/chiếc thì cánh bướm điện được bán với giá 200.000 đồng/chiếc. Đồ chơi này cũng do nước ngoài sản xuất.
Theo các tiểu thương, mùa Trung thu năm nay, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu nên lượng tiêu thụ hàng hóa chắc chắn cũng sẽ chậm và ít hơn so với những năm trước. Giá đồ chơi cũng không tăng so với các năm trước. Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng, khi chỉ còn cách rằm tháng Tám từ 1 tuần, lượng hàng bán được sẽ nhiều lên.
Sẽ công khai các cơ sở vi phạm
Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu mua sắm đồ chơi trẻ em chắc chắn cũng sẽ tăng. Các mặt hàng đồ chơi được bày bán không chỉ tại các cửa hàng mà còn trên các sàn thương mại điện tử với những mức giá khác nhau. Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất vẫn là nguồn gốc xuất xứ của các loại đồ chơi này cũng như độ an toàn của chất liệu sản phẩm đồ chơi. Theo phản ánh, có nhiều loại đồ chơi, đặc biệt là mặt nạ bằng nhựa sản xuất từ nhựa PVC được coi là độc hại nhưng vẫn sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm tiêu dùng. PVC chứa nhiều hóa chất độc hại, trong đó có chì DEHP. Nếu trẻ ngậm đồ chơi sẽ gây nguy hại tới sức khoẻ.
Trên thị trường, hầu hết chủ kinh doanh khi được hỏi chỉ nói chung chung hàng nhập, hoặc hàng Trung Quốc, nhưng không đưa ra bất cứ giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Đồ chơi nhập ngoại, đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây hại cho sức khoẻ của trẻ em, nếu không được kiểm tra, xử lý và cảnh báo thường xuyên, với lượng tiêu thụ lớn vào dịp Trung thu này, sẽ là mối lo ngại lớn.
Được biết, ngay từ giữa tháng 8/2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023. Theo đó, kế hoạch sẽ được triển khai từ ngày 29/8 đến hết ngày 30/9, sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, nguy hiểm, không phù hợp với lứa tuổi, giáo dục nhân cách trẻ em, đồ chơi trẻ em nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn.
Quản lý địa bàn quận Hoàn Kiếm với nhiều tuyến phố bán đồ chơi lớn nhất Hà Nội, tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với Đội Quản lý thị trường số 2, lãnh đạo đơn vị này đã từ chối tiếp phóng viên và hướng dẫn làm việc với Cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đơn vị này đã chỉ đạo các đội trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, Cục cũng sẽ công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để cảnh báo đến người tiêu dùng.
Nguồn:https://cand.com.vn/Thi-truong/do-choi-trung-thu-truyen-thong-van-chiem-linh-thi-truong-i707525/