– Những ngày này, người dân thôn Pác Làng, xã Điềm He, huyện Văn Quan vui mừng phấn khởi khi cây cầu Pác Làng nối 2 bên bờ sông Môpja đã cơ bản hoàn thành, sắp chính thức đưa vào khai thác. Khi cây cầu được hoàn thành, việc đi lại, sản xuất, giao thương hàng hoá của bà con sẽ được thuận lợi hơn.
Được biết, trước đây tại thôn Pác Làng, xã Song Giang (nay là xã Điềm He), huyện Văn Quan, học sinh, người dân 2 bên bờ sông Môpja đi lại, vận chuyển nông sản qua sông bằng bè mảng. Năm 2003, được sự quan tâm của Nhà nước, thôn được đầu tư xây dựng ngầm tràn qua sông. Tuy nhiên, do ngầm tràn thấp, mỗi khi trời mưa to, kéo dài, nước dồn về, ngầm tràn lại bị ngập. Đặc biệt, từ khi các nhà máy thuỷ điện Khánh Khê, thuỷ điện Bản Nhùng hoạt động, tình trạng ngầm tràn ngập càng diễn ra thường xuyên hơn. Việc các nhà máy thuỷ điện chặn dòng, xả nước đều khiến mực nước sông Kỳ Cùng tăng làm chậm dòng chảy của sông Môpja. Chính những nguyên nhân trên đã khiến ngầm tràn bắc qua sông Môpja thường xuyên bị ngập sâu, ảnh hưởng đến đi lại, giao thương của Nhân dân.
Bà Trần Thị Hợi, người dân thôn Pác Làng cho biết: Nhà tôi ở bên này ngầm tràn nhưng gia đình lại mở một cửa hàng bán tạp hoá ở bên kia ngầm. Thời điểm nước sông dâng cao, ngầm tràn bị ngập tôi không thể đi lại qua sông để mở cửa hàng cũng như nhập hàng hoá. Việc vận chuyển nông sản, trao đổi hàng hoá của bà con chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn; học sinh phải nghỉ học do không thể vượt sông đến lớp.
Không riêng gia đình bà Hợi, cũng với những khó khăn trên, 128 hộ dân với trên 650 nhân khẩu thôn Pác Làng từ nhiều năm nay đều mong ước được Nhà nước đầu tư cây cầu vững chắc bắc nối 2 bên bờ sông Môpja để đi lại thuận lợi.
Thấu hiểu nỗi niềm, vất vả của người dân, tháng 11/2023, huyện Văn Quan đã khởi công xây dựng cầu Pác Làng, xã Điềm He. Theo thiết kế, công trình được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép với chiều dài 78,2 m. Cầu có mặt cắt ngang 6 m, quy mô 2 mố, 2 trụ, 3 nhịp cầu… với tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu hạ tầng cơ sở các huyện nghèo, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và ngân sách huyện đối ứng.
Ông Đàm Đức Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Quan, chủ đầu tư dự án cho biết: Để có mặt bằng thi công, đơn vị, phòng chuyên môn huyện và UBND xã Điềm He đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất. Trong quá trình triển khai thi công, đơn vị cũng phối hợp với tư vấn giám sát, nhà thầu thi công thực hiện xét duyệt biện pháp thi công xây dựng đảm bảo phù hợp, khả thi. Ngoài ra, đơn vị còn thường xuyên thí nghiệm, kiểm tra, kiểm soát vật liệu công trình đảm bảo chất lượng trước khi đưa vào sử dụng. Trong quá trình triển khai thi công, đơn vị thường xuyên cử cán bộ trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình thi công thực tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, xử lý những phát sinh trên công trường, đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình.
Cùng với sự giám sát, đôn đốc sát sao của chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công cũng huy động tối đa nhân lực, máy móc thi công xây dựng. Ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ phụ trách kỹ thuật Công ty Cổ phần 873 – Xây dựng công trình giao thông (Hà Nội), đơn vị thi công cho biết: Để đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ thi công công trình, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực, cao điểm có trên 50 công nhân làm việc và nhiều máy móc chuyên dụng phục vụ thi công. Cùng đó, chúng tôi chia công nhân thành 4 tổ, đội phụ trách thi công từng hạng mục. Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục chính của cầu cơ bản đã hoàn thành, đạt 95% khối lượng. Đơn vị hiện đang gấp rút bê tông đường dẫn hai bên cầu, dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao, chính thức đưa công trình vào sử dụng trước Tết Dương lịch.
Ông Lý Văn Hoàn, Bí thư Chi bộ thôn Pác Làng cho biết: Trên địa bàn thôn có cánh đồng sản xuất nông nghiệp rộng lớn, nhưng vị trí ở phía bên kia ngầm tràn. Do đó, ngầm tràn thường xuyên ngập ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của bà con. Khi nhà thầu hoàn thành, bàn giao và cây cầu chính thức được đưa vào sử dụng sẽ không chỉ giúp bà con thuận lợi trong đi lại mà còn là động lực giúp người dân phát huy tiềm năng, nội lực về đất đai để phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Hiện các hạng mục chính của cầu đã được hoàn thiện, người dân đã có thể đi lại qua cây cầu mới; phần đường dẫn lên cầu đang được nhà thầu tích cực thi công.
Không riêng người dân trên địa bàn, cán bộ, giáo viên thường xuyên di chuyển qua sông đến trường cũng rất vui mừng, phấn khởi khi cây cầu sắp chính thức đưa vào sử dụng. Bà Hà Thị Gấm, Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 Điềm He cho biết: Toàn trường hiện có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó có trên 50% số cán bộ, giáo viên nhà trường hằng ngày phải đi lại qua sông Môpja đến trường. Ngoài ra, nhà trường còn rất nhiều học sinh phải vượt sông đến lớp. Cầu Pác Làng khi chính thức được đưa vào khai thác không chỉ giúp bà con đi lại thuận lợi phát triển kinh tế mà còn góp phần đảm bảo công tác dạy và học của giáo viên, học sinh nhà trường.
Chúng tôi chia tay Pác Làng khi công nhân thi công công trình vẫn đang miệt mài làm việc, tăng tốc về đích. Đối với người dân nơi đây, niềm vui như được nhân đôi bởi ngoài việc giúp cho việc đi lại thuận lợi, an toàn, cây cầu còn giúp bà con yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.
Nguồn: https://baolangson.vn/diem-he-cay-cau-noi-nhip-bo-vui-5030840.html