– Di tích làng Minh Đán và di tích Lân Áng, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn là nơi ghi dấu tinh thần yêu nước kiên trung, biểu tượng bất diệt của sự hy sinh và tinh thần đấu tranh quả cảm không chịu khuất phục trước kẻ thù của Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Sơn. Những năm qua, để phát huy giá trị lịch sử to lớn của hai di tích, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc, chính quyền và Nhân dân huyện Bắc Sơn đã có nhiều giải pháp tích cực.
Thuyết minh viên Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn giới thiệu những hình ảnh về sự kiện làng Minh Đán, Lân Áng cho khách tham quan
Bắc Sơn – quê hương cách mạng, nơi có nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có làng Lân Áng và làng Minh Đán.
Những ngày cuối tháng 8/2023, trong không khí toàn dân tộc hướng về kỷ niệm Quốc khánh 2/9, chúng tôi có dịp trở lại Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn, nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật về mảnh đất và con người Bắc Sơn anh hùng. Tại đây, có một số bức ảnh về sự kiện xảy ra tại làng Minh Đán, Lân Áng khoảng hơn 80 năm về trước.
Theo các tài liệu lịch sử, để đàn áp phong trào khởi nghĩa, các chỉ huy Pháp khẩn trương đưa quân từ huyện Bình Gia và tỉnh Thái Nguyên đến Bắc Sơn. Ngày 1/10/1940, Bóocdiê – Đồn trưởng đồn Đình Cả (Thái Nguyên) đã huy động lực lượng tiến đánh vào địa bàn trung tâm của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và ra sức rà soát, uy hiếp người dân. Khi kéo đến làng Minh Đán, chúng đã tàn sát dã man người dân và châm lửa thiêu rụi 14 ngôi nhà. Hành động dã man này đã khiến cho Nhân dân quanh vùng thêm căm phẫn, quyết ủng hộ và đi theo cách mạng. Tại Lân Áng, thuộc thôn Lương Minh, xã Hưng Vũ, ngày 9/2/1945, một số tên tay sai cùng quân Pháp mật phục để giết hại đồng chí Hoàng Văn Hán – người chiến sĩ cách mạng có công lớn trong việc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tham gia xây dựng lực lượng cách mạng ngay từ những ngày đầu còn khó khăn, gian khổ
Giờ đây, mặc dù quá khứ đã lùi xa nhưng Nhân dân vẫn luôn ghi nhớ về những hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước. Anh Hoàng Đình Thép, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Minh Đán, xã Hưng Vũ cho biết: Hằng năm vào các ngày lễ lớn của dân tộc, đặc biệt là ngày kỷ niệm diễn ra sự kiện tại Minh Đán, tôi và bà con Nhân dân vẫn ra dọn dẹp, phát quang cây cỏ xung quanh tấm bia ghi dấu sự kiện. Đồng thời, tôi cũng thường xuyên tuyên truyền về giá trị lịch sử của di tích đến người dân, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức bảo vệ tốt di tích này.
Về phía chính quyền, những năm qua, UBND huyện Bắc Sơn đã có nhiều giải pháp thiết thực phát huy giá trị hai di tích này. Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền cơ sở thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của di tích, gắn việc phát huy giá trị di tích với việc phát triển du lịch, đồng thời đưa di tích trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương; phối hợp với Bảo tàng tỉnh khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền công nhận di tích cấp quốc gia. Theo đó, năm 2020, di tích Lân Áng, Minh Đán, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 32/QĐ-BVHTTDL và Quyết định số 33/QĐ-BVHTTDL.
Ngoài ra, UBND huyện cũng giao phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện tăng cường xây dựng tin, bài tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lịch sử của di tích đến đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài huyện. Đặc biệt, UBND huyện Bắc Sơn đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng báo cáo, đề xuất với Bộ Tư lệnh Quân khu I hỗ trợ đầu tư bảo tồn, tôn tạo một số khu di tích lịch sử Vùng an toàn khu huyện Bắc Sơn với tổng kinh phí dự kiến trên 12,8 tỷ đồng, trong đó đối với hai di tích làng Minh Đán, Lân Áng là hơn 5 tỷ đồng.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng 2 di tích Minh Đán, Lân Áng là chứng tích sống động về tinh thần yêu nước, tinh thần theo cách mạng của Nhân dân các dân tộc xã Hưng Vũ nói riêng và huyện Bắc Sơn nói chung. Đồng thời, hai di tích này cũng phản ảnh sự tàn khốc của chiến tranh, tội ác không thể tha thứ của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Qua đó, góp phần giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha ngày trước để có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay.