– Lạng Sơn, vùng đất của những điều kỳ thú, nơi đây hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Trong chuyến hành trình khám phá xứ Lạng, du khách không thể bỏ qua di tích Quốc gia đền Kỳ Cùng, tọa lạc ven sông Kỳ Cùng chảy ngược thơ mộng.
Một số tài liệu ghi chép lại, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) được xây dựng vào khoảng thời Hậu Lê, ban đầu là ngôi miếu nhỏ thờ Thần Giao Long (Thần sông Kỳ Cùng). Trải qua thời gian lịch sử, hiện tại, đền thờ Quan lớn Tuần Tranh, một vị quan tướng dưới triều đại nhà Trần được cử lên Lạng Sơn để yên dân, dẹp giặc phương Bắc. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi về đền Kỳ Cùng như sau: “Đền Kỳ Cùng ở bờ bên tả ngạn sông Kỳ Cùng thuộc xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng có con giao long thành thần đào hang ở đấy. Đền rất thiêng, nhiều lần được phong tặng. Sứ bộ đi qua đây, trước sửa lễ cáo yết, sau mới sang đò”.
Theo dân gian, trước đây đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ lập nơi bến nước để thờ cúng thần sông, thấy linh thiêng nên Nhân dân quanh vùng đến thờ cúng, rồi dần dần tiếng lành đồn xa, nhiều khách thập phương tìm đến lễ bái và công đức xây dựng thành ngôi đền ngày càng lớn hơn. Trải qua thời gian, đền Kỳ Cùng đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo như Theo văn bia chùa Thành (Diên Khánh tự bi ký – dựng vào mùa thu năm Bính Thìn, triều Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) ghi chép trong hạng mục tu sửa: “… xây lại hai gian đền thờ Kỳ Cùng, lợp ngói, tôn cao đền theo kiểu cách mới…”. Lần trùng tu kế tiếp được ghi lại là vào năm Tân Mùi, triều Bảo Đại thứ 6 (1931) do Trần Xuân Vinh đứng ra hưng công.
Lễ hội Đền Kỳ Cùng
Trải qua những thăng trầm và biến cố của lịch sử, Đền Kỳ Cùng vẫn luôn hiện hữu cùng với thời gian và trở thành điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương và du khách thập phương. Hiện nay, đền có kiến trúc kiểu chữ công, tiền tế 7 gian, hậu cung 3 gian. Đền còn lưu giữ được một số hiện vật quý như bức đại tự “long cung hiển thánh” (hiển thánh ở long cung) triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783); sắc phong triều vua Khải Định năm thứ 9 (1924); tấm bia đá lập năm Tân Mùi, niên hiệu Bảo Đại thứ 6 (1931)… Năm 1993, di tích đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia; năm 2015, lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bà Phạm Tuyết Lê, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích phường Vĩnh Trại, Trưởng Bộ phận Thường trực Quản lý đền Kỳ Cùng cho biết: Đối với người dân chúng tôi, đền Kỳ Cùng có ý nghĩa hết sức to lớn. Chính vì vậy, hằng ngày, chúng tôi gồm 5 người thường xuyên quét dọn, bao sái ban thờ. Khi du khách đến tham quan, chiêm bái, các thành viên trong ban nhắc nhở, hướng dẫn Nhân dân chấp hành quy tắc ứng xử, nếp sống văn minh tại di tích, hóa vàng mã đúng nơi quy định, không thắp hương bừa bãi…
Về phía chính quyền, thời gian qua, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm bảo tồn, phát huy di tích giá trị này như chỉ đạo các phòng chuyên môn khoanh vùng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích đền Kỳ Cùng với diện tích 2.359,3 m2; giao Phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) quan tâm, hướng dẫn UBND hai phường Vĩnh Trại và Hoàng Văn Thụ thực hiện công tác quản lý, bảo vệ di tích. Bên cạnh đó năm 2018, di tích đền Kỳ Cùng, phường Vĩnh Trại đã được tu bổ, tôn tạo mở rộng diện tích đền chính từ 285 m2 lên 487,3 m2 (tăng 202,3 m2) với kinh phí gần 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Song song với công tác bảo tồn di tích, việc phát huy lễ hội gắn với di tích cũng đã được UBND thành phố đẩy mạnh. Đơn cử như hằng năm, UBND thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước tổ chức lễ hội đảm bảo phù hợp với văn hóa truyền thống địa phương. Đặc biệt, tháng 3/2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Trần Lệnh Trưởng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Di tích đền Kỳ Cùng là niềm tự hào của di sản văn hóa thành phố nói riêng, Xứ Lạng nói chung. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích với nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn hơn nữa.