Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, trong đó có Luật Kế toán.
Nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán, dự thảo đề xuất 2 chính sách gồm:
Chính sách 1: Tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Mục tiêu chính sách là thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán, đạt mục tiêu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chống xói mòn thuế toàn cầu; Hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; Giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; Nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của các đơn vị có quy mô lớn; phòng chống rửa tiền.
Nội dung chính sách gồm: Áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán (IFRS) và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ bằng cách cho phép áp dụng chế độ kế toán đơn giản, hướng tới mục đích quản lý thuế là chính để phù hợp với năng lực, tiết giảm chi phí và thời gian cho công tác kế toán tại đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị;
Giải pháp thực hiện là sửa đổi, bổ sung khoản 19 Điều 3 theo hướng làm rõ khái niệm Chuẩn mực về kế toán gồm Chuẩn mực quốc tế và Chuẩn mực Việt Nam.
Để thực hiện áp dụng IFRS tại Việt Nam, đề nghị giao Bộ Tài chính quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi, lộ trình, thể thức và phương pháp áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán.
Việc cho phép các đơn vị có nhu cầu và khả năng áp dụng IFRS sẽ góp phần giúp đạt các mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng do việc áp dụng IFRS là một trong các yếu tố để được các định chế quốc tế nâng hạng thị trường chứng khoán và được quốc tế công nhận là nền kinh tế thị trường;
Tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài do các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Panasonic, Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu, Hoa Kỳ… đều mong muốn được áp dụng IFRS;
Giúp các doanh nghiệp Việt Nam như Vinfast, Viettel dễ dàng niêm yết trên thị trường quốc tế và các doanh nghiệp như PVN, EVN… dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực kế toán
Dự thảo đề xuất Chính sách 2. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán; Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán của Bộ Tài chính; sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán của các bộ, ngành khác; sửa đổi, bổ sung phân cấp, phân quyền và làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước; sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng quản lý Nhà nước của UBND cấp tỉnh.
Bổ sung trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong khu vực công khi thực hiện các nhiệm vụ: Ký tên trên sổ kế toán, báo cáo tài chính, bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán, tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị.
Bổ sung quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán.
Bộ Tài chính cho biết, lý do lựa chọn chính sách nhằm quy định rõ hơn nhiệm vụ thẩm quyền của Bộ Tài chính trong việc ban hành Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, Chế độ kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật khác về kế toán. Bên cạnh đó, có cơ cơ sở giao cho các bộ, ngành quản lý chuyên sâu thẩm quyền hướng dẫn chế độ kế toán, đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ hệ thống chuẩn mực do Bộ Tài chính quy định. Điều này giúp cho hoạt động quản lý nhà nước tập trung nhưng cũng được phân cấp phù hợp để các chính sách chung đi vào cuộc sống đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nguồn: https://baolangson.vn/de-xuat-2-chinh-sach-sua-doi-bo-sung-luat-ke-toan-5019436.html