Dự án cải tạo, tôn tạo chùa Trầm- chùa Trăm Gian với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng dự kiến được khởi công tháng 9/2024, hoàn thành vào năm 2026.
Hội thảo Khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm – chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội đã diễn ra vào ngày 6/9.
Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện, làm rõ, sáng tỏ hơn về nội dung, giá trị lịch sử – văn hóa, kiến trúc – nghệ thuật, cách mạng – kháng chiến của cụm di tích quốc gia chùa Trầm – chùa Trăm Gian; tạo cơ sở khoa học để thực hiện tốt hơn công tác quản lý; bảo tồn, tu bổ tôn tạo, quy hoạch và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.
Đồng thời giải quyết tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý di tích; đề xuất, định hướng giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch của huyện; kết nối, khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, hiện chưa khai thác được giá trị của di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian, để lãng phí một tài nguyên giá trị. Do ảnh hưởng của yếu tố lịch sử, cụm di tích Quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian đã xuống cấp khá trầm trọng.
GS. Lê Văn Lan cho biết hai khu chùa này đang ở tình trạng bị phá hoại ngày càng nghiêm trọng, chưa chấm dứt được. Điển hình là hiện trạng của ngọn núi Trầm. Ngoài ra, cụm di tích này bị “mất tích” nhiều đơn vị (đơn nguyên), công trình, kiến trúc ..vốn là tổ hợp làm nên cấu trúc của khu di tích.
“Tình trạng xuống cấp toàn diện như trên ở chùa Trầm và chùa Trăm Gian, đương nhiên khiến “lăn tăn”, ngần ngại việc xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt cho hai khu di tích vào lúc này”– GS Lê Văn Lan nêu ý kiến.
Ông đề xuất cần khẩn trương tiến hành việc chỉnh trang, khắc phục bước đầu tình trạng “xuống cấp”, “nhếch nhác” tại hai khu di tích trên. Cùng với đó, Hà Nội cần làm hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với chùa Trầm – chùa Trăm Gian, đệ trình để được xét duyệt có cơ sở chắc chắn được công nhận đúng vào lúc hoàn thành tôn tạo hai dự án, tức là vào năm 2026.
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho rằng, dù hàm chứa các mặt giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học hay kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thì cụm di tích chùa Trăm Gian và chùa Trầm cũng chỉ tồn tại dưới dạng tài nguyên du lịch.
PGS.TS. Đặng Văn Bài cho rằng muốn có được các sản phẩm du lịch, các tour du lịch có chất lượng, trước hết phải có quy hoạch hoặc dự án tổng thể bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành giá trị của Cụm di tích chùa Trầm – chùa Trăm Gian.
Hiện nay trên địa bàn xã Phụng Châu, xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) đang triển khai thực hiện 5 dự án đầu tư liên quan đến phát huy điểm đến của cụm di tích lịch sử chùa Trầm – chùa Vô Vi – chùa Trăm Gian.
Dự án cải tạo, tôn tạo chùa Trầm- chùa Trăm Gian với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng dự kiến được khởi công tháng 9, hoàn thành vào năm 2026. Dự án tạo điều kiện thuận lợi thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội và các nhà đầu tư lớn vào phát triển văn hóa du lịch.
Đồng thời, đầu tư các công trình văn hóa, du lịch bổ trợ. Mục tiêu vừa giữ gìn, phát huy giá trị di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian… đồng thời hướng tới phát triển du lịch chuyên nghiệp, nâng tầm thương hiệu du lịch của Thủ đô và của huyện.
Phát biểu đánh giá hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội nhận định các tham luận tập trung vào nội dung di tích chùa Trầm – chùa Trăm Gian, nêu bật về giá trị lịch sử, giá trị về kiến trúc – nghệ thuật, giá trị về danh lam thắng cảnh của di tích, các tham luận kiến giải và đưa ra các phương án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích cấp quốc gia,…
Các ý kiến của chuyên gia đã bổ sung, cập nhật tư liệu, những căn cứ pháp lý mới, những tài liệu khoa học có thể định hướng về công tác bảo tồn di tích, bảo tồn di sản của địa phương nói chung, di tích chùa Trầm – chùa Trăm Gian nói riêng đạt hiệu quả tốt nhất.
Chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) còn có tên gọi là Long Tiên Tự, được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669). Ngôi chùa có địa thế rất đẹp, với các núi nhỏ bao quanh như Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ… Chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của người dân Đồng bằng Bắc Bộ.
Chùa Trầm là nơi Bác Hồ từng về thăm và làm việc. Đặc biệt, đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí MInh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đêm ngày 19, rạng sáng 20/12/1946. Đầu năm 1947, Chùa Trầm và Đài Tiếng nói Việt Nam lại có vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đến thăm và đọc thơ chúc Tết toàn thể quốc dân đồng bào trên làn sóng phát thanh của Đài,
Chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương) có tên chữ là “Quảng Nghiêm tự”. Theo truyền thuyết, chùa Trăm Gian có từ thời Lý Cao Tông (1185). Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều lần trùng tu, đến nay chùa chủ yếu mang phong cách kiến trúc thời Lê – Nguyễn nhưng vẫn còn một số dấu tích kiến trúc thời Trần.
Nguồn: https://baolangson.vn/dau-tu-hon-200-ty-dong-cai-tao-cum-di-tich-chua-tram-chua-tram-gian-5020972.html