Bộ phim do Bộ Quốc phòng và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện nhân 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/ 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 /22-12-2024).

Các diễn viên, biên tập của bộ phim đã bày tỏ cảm xúc và chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến”.

Diễn viên Việt Anh (vai Trung tá Trần Đình Trung, Đồn trưởng Đồn biên phòng Mường Luông):

“Vai diễn về chiến sĩ Biên phòng để lại dấu ấn đặc biệt với tôi”

Trong bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến”, tôi đảm nhiệm vai Trung tá Trần Đình Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Luông. Tôi đã từng thể hiện rất nhiều vai diễn cả chính diện và phản diện nhưng vai diễn trong bộ phim này để lại những dấu ấn đặc biệt với tôi bởi khắc họa hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương, chiến đấu với tội phạm ma túy, buôn lậu và thực hiện nhiều nhiệm vụ để đảm bảo cuộc sống bình yên cho đồng bào dân tộc. Giữa lằn ranh sinh tử, giữa tình riêng và việc chung, cho dù phải trải qua những khó khăn, vất vả nhưng người chiến sĩ trong bộ phim luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm với công việc.

Dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ thời bình trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”

 

Dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ thời bình trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”
Diễn viên Việt Anh (vai Trung tá Trần Đình Trung, Đồn trưởng Đồn biên phòng Mường Luông) trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”. Ảnh đoàn làm phim cung cấp.

Nơi biên cương, dù có nhiều cám dỗ, hiểm nguy nhưng bằng bản lĩnh, những người lính vẫn sẵn sàng vượt qua, hết mình phụng sự Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Với tôi, vai diễn này đã đem đến nhiều trải nghiệm thú vị. Những ngày ghi hình, tôi được sống trong môi trường quân ngũ, hiểu hơn về cuộc sống và công việc của người chiến sĩ Biên phòng. Trước khi vào vai Trung tá Trần Đình Trung, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng kịch bản cũng như cách thể hiện để làm sao nổi bật hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.

Bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến” là một tác phẩm về người lính nhưng có nhiều chi tiết rất đời thường. Qua đó, để những thế hệ ngày nay hiểu hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, và sự cống hiến thầm lặng của những chiến sĩ cho sự bình yên của đồng bào mình, dân tộc mình.

————–

Biên tập viên Nguyễn Trung Dũng (Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam):

“Tôi có cảm xúc đặc biệt khi thực hiện bộ phim này”

Tôi được giao làm công tác biên tập cho bộ phim “Cuộc chiến không giới tuyến”, so với những phim khác thì bộ phim này mang tính chất đặc thù hơn và cũng khó khăn bởi phim khắc họa hình ảnh bộ đội thời bình. Thực tế thì việc học tập, sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đều có kỷ luật và khuôn phép nhất định. Vì thế, khi làm phim về những người chiến sĩ như vậy thì chúng tôi phải có phương pháp. Quá trình thể hiện cũng phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết.

Dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ thời bình trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”

 

Dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ thời bình trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”
Các cảnh quay trong phim. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp 

Bộ phim khai thác đề tài hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng bởi vì bộ đội Biên phòng thường xuyên tiếp xúc với người dân ở tận nơi hẻo lánh, xa xôi nên rất vất vả và khi tiếp xúc với bà con thì sẽ có nhiều câu chuyện với những tình huống gần gũi và đời thường. Như thế cốt truyện phim sẽ khiến người xem dễ cảm nhận.

Là thế hệ được sinh ra trong hòa bình, được hưởng nền độc lập tự do mà bao thế hệ trước đã ngã xuống để bảo vệ và dựng xây. Trong tôi luôn ấn tượng vô cùng đặc biệt với Quân đội nhân dân Việt Nam cả trong thời chiến và thời bình. Vì vậy khi làm phim, tôi có cảm xúc đặc biệt. Điều này tạo sự thuận lợi hơn cho quá trình biên tập phim. Thông qua bộ phim, tôi đã hiểu về sự hy sinh, vất vả, hiểm nguy của người chiến sĩ hôm nay.

———–

Thiếu tá Phạm Ngọc Hà Lê, Phòng văn hóa, văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam:  

“Kịch bản phim được xây dựng rất công phu, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung”

Hình ảnh về bộ đội thời bình cũng đã được tuyên truyền, phản ánh trên các phương tiện truyền thông, báo chí và trong nhiều phim tài liệu. Song xây dựng một bộ phim truyền hình dài tập về Bộ đội Cụ Hồ thì đây là bộ phim đầu tiên được thực hiện bởi Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam. Khó khăn và thách thức lớn đối với đề tài này có lẽ là cách tiếp cận và thể hiện như thế nào. Thời bình, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập, công tác thì nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, ứng phó, hỗ trợ phòng chống thiên tai, dịch bệnh… đã và đang là những nhiệm vụ thường trực của Quân đội. Vậy làm sao để thể hiện được hình ảnh bộ đội trong thời kỳ không có bom đạn, khói lửa, chiến tranh là những điều mà ngay từ đầu, ê kíp làm phim đã đặt ra. Bên cạnh đó, bộ phim phải mang tính hấp dẫn, chân thực và những vấn đề mà xã hội, đời sống tình cảm, hậu phương của họ cũng cần phải được khai thác sâu.

Dấu ấn Bộ đội Cụ Hồ thời bình trong phim “Cuộc chiến không giới tuyến”
Một trong những bối cảnh đẹp của bộ phim. 

Đề tài của phim này là một khó khăn, thử thách đối với những người xây dựng nội dung, khó ở cách tiếp cận và hình thức thể hiện. Vì phim dài tập đòi hỏi phải có sự hư cấu, cách kể chuyện hấp dẫn nhưng không thể xa rời thực tế của quân đội, không thể “hư cấu” quá về tình huống và hoàn cảnh chỉ để thể hiện ý đồ nghệ thuật. Phải dung hòa giữa “thật” và “hư cấu” cũng là một khó khăn đối với chúng tôi. Tuy nhiên, tôi rất may mắn được làm việc với anh Nguyễn Trung Dũng, một biên kịch – biên tập có kinh nghiệm ở dòng phim chính luận của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam. Chúng tôi thường trao đổi, bàn bạc và anh Nguyễn Trung Dũng là người “lead team” rất chuyên nghiệp nên cuối cùng chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ.  

Khó khăn, áp lực nhiều nhưng thực sự cũng rất tự hào vì lần đầu tiên trên sóng truyền hình quốc gia có một bộ phim truyền hình dài tập về Bộ đội Cụ Hồ. Là một cán bộ Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nhận thức được hiệu quả tuyên truyền, tính giáo dục, thẩm mỹ của một tác phẩm phim truyện truyền hình đối với đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hiện nay như thế nào. Nếu tác phẩm chạm được đến cảm xúc của khán giả có nghĩa là đề tài này cũng được công chúng đón nhận, quan tâm. Và thời gian phát sóng vừa qua cũng đã thể hiện phần nào điều đó.

Kịch bản của phim được xây dựng rất công phu, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung. Chúng tôi đã đi thực tế tại nhiều đơn vị để tiếp cận cuộc sống, công tác, tính chất đặc thù, nhiệm vụ của các lực lượng khác nhau để xây dựng, khai thác những câu chuyện về đồng đội của mình một cách hấp dẫn nhất.  

Tôi đã đọc rất nhiều bài báo, review phim, những bình luận của khán giả trên nhiều nền tảng xã hội. Thật sự tôi rất vui khi bộ phim được khán giả đón nhận, đặc biệt là các bạn trẻ.. Các bạn rất quan tâm và yêu mến đề tài, hình ảnh người lính – Bộ đội Cụ Hồ, cảm nhận và chia sẻ với những khó khăn gian khổ của người lính trong thời bình, những mất mát hy sinh âm thầm để ngày đêm giữ gìn bình yên cho Tổ quốc và nhân dân.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/dau-an-bo-doi-cu-ho-thoi-binh-trong-phim-cuoc-chien-khong-gioi-tuyen-746467