– Những năm qua, việc khảo sát, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thành phố (DDCI) ngày càng được các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia. Điều này đã góp phần tạo nguồn thông tin quý giá để các đơn vị đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cán bộ chuyên môn tận tình hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh
Việc công bố chỉ số DDCI trên địa bàn tỉnh được triển khai lần đầu tiên vào năm 2018 (thực hiện đánh giá kết quả khảo sát, đánh giá của năm 2017) với sự tham gia của 21 đơn vị sở ngành và UBND cấp huyện. Tại thời điểm mới triển khai, điểm đánh giá chỉ số DDCI còn đạt thấp. Cụ thể, với khối UBND huyện, thành phố, đơn vị đạt cao nhất là 58,35 điểm. Còn ở khối sở, ban, ngành đạt cao nhất là 75,23 điểm. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa đơn vị xếp đầu và đơn vị xếp cuối rất lớn, đặc biệt là ở khối sở, ban, ngành con số chênh lệch giữa 2 đơn vị là hơn 32 điểm. Đồng thời, rất nhiều chỉ số thành phần như: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng… đều ở mức thấp; công tác giải quyết thủ tục hành chính tại nhiều đơn vị còn nhiều hạn chế.
Xác định việc nâng cao chỉ số DDCI là công tác quan trọng để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kể từ năm 2018 đến nay, hằng năm, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chỉ số DDCI. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã quyết liệt thực hiện nhiệm vụ trên.
Theo thông tin từ nhóm tư vấn DDCI tỉnh Lạng Sơn năm 2023, trong năm 2023, đơn vị đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phát trên 6.000 phiếu khảo sát chỉ số DDCI đến các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đơn vị đang trong quá trình thu thập phiếu và làm sạch thông tin. Theo thống kê chưa đầy đủ, bước đầu, số lượng phiếu thu hợp lệ trong năm 2023 tăng nhiều so với năm 2022 (năm 2022, đơn vị đã phát trên 6.000 phiếu và thu về gần 1.700 phiếu hợp lệ). |
Huyện Hữu Lũng là đơn vị điển hình trong việc cải thiện chỉ số DDCI. Từ năm 2020 đến nay, đây là huyện liên tục nằm trong tốp 3 đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số DDCI của khối UBND cấp huyện. Để có kết quả này, hằng năm, UBND huyện đã xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch nâng cao chỉ số DDCI. Trong đó, tập trung vào các chỉ số đứng hạng thứ 5 trở lên. Bên cạnh đó, huyện tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Để cải thiện chỉ số DDCI, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: gặp mặt, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người dân; tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền để giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn trung bình trên 10 cuộc/năm bằng nhiều hình thức. Trong đó, trung bình qua mỗi cuộc đối thoại, huyện đã giải đáp khoảng 10 – 15 ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về mặt bằng, hoạt động sản xuất kinh doanh… Đặc biệt, trong năm 2023, huyện đã xúc tiến và thành lập Hội Doanh nghiệp huyện Hữu Lũng với hơn 70 doanh nghiệp, hợp tác xã thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Hội có vai trò quan trọng, kết nối giữa chính quyền cùng cộng đồng doanh nghiệp, giúp huyện kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Quan điểm của huyện là việc giải quyết tốt các kiến nghị, nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ góp phần giúp doanh nghiệp phát triển, đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
“Là đơn vị đồng hành cùng công tác đánh giá chỉ số DDCI của tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua, chúng tôi có thể khẳng định rằng, việc đánh giá chỉ số DDCI đã giúp tỉnh Lạng Sơn có thêm cơ sở để đưa ra các giải pháp cải cách thủ tục hành chính. Nhờ đó, chỉ số DDCI tỉnh Lạng Sơn đã được cải thiện mạnh mẽ thể hiện qua kết quả đánh giá từng năm. Đồng thời, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng quan tâm hơn đến việc tham gia điền phiếu khảo sát DDCI. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn để hỗ trợ các đơn vị sở, ngành và UBND các huyện, thành phố nâng cao chỉ số DDCI bằng việc triển khai các kế hoạch, mục tiêu cụ thể như: xây dựng kênh thông tin địa phương; lan toả các bài học, kinh nghiệm trong giải quyết thủ tục hành chính; tạo ra các tiêu chuẩn công vụ chung… Từ đó, sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật (Công ty TNHH MTV Indochina Survey), Trưởng nhóm tư vấn DDCI tỉnh Lạng Sơn năm 2023 |
Đối với các đơn vị có chỉ số thấp trong những năm trước đây, để có thể nâng cao chỉ số DDCI, các đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp. Đơn cử như Sở Xây dựng, trong năm 2022, đơn vị ở vị trí thứ 19 trong bảng xếp hạng khối sở, ban, ngành với các chỉ số thấp như: dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chi phí thời gian. Theo ông Nguyễn Duy Đông, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị đã tập trung rà soát các thủ tục hành chính và đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết; công khai minh bạch các chính sách, pháp luật liên quan tới doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Kết quả, Sở Xây dựng đã công khai 58 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực phụ trách, thực hiện cắt giảm thời hạn đối với 2 thủ tục hành chính liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng và quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền với tổng thời gian cắt giảm là 10/29 ngày, tỷ lệ cắt giảm 34,4%.
Cùng với 2 đơn vị kể trên, những năm qua, các đơn vị khác thuộc khối UBND cấp huyện và khối sở, ban, ngành đã tập trung triển khai kế hoạch nâng cao chỉ số DDCI hằng năm. Theo đó, các đơn vị đã phân tích rõ nguyên nhân khiến các chỉ số thành phần đạt thấp và từ đó có kế hoạch cụ thể để cải thiện. Nhờ đó, chỉ số DDCI thuộc cả 2 khối đã tăng lên đáng kể. Đơn cử như năm 2022, UBND huyện Bình Gia đạt 79,28 điểm và bứt phá từ vị trí thứ 11 của bảng xếp hạng DDCI năm 2021 lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng năm 2022…
Sau 6 năm triển khai khảo sát, đánh giá chỉ số DDCI ngày càng được các đơn vị quan tâm, tích cực tham gia. Từ việc chỉ có 21 đơn vị tham gia đánh giá năm 2017, đến năm 2022 đã có 36 đơn vị tham gia. Cùng đó, các thông tin ghi nhận từ doanh nghiệp đã tạo động lực để các đơn vị đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhờ vậy, so với năm 2017, chỉ số DDCI năm 2022 đã được nâng cao đáng kể, khoảng cách giữa đơn vị xếp đầu và xếp cuối cùng ngày càng được thu hẹp. Bằng chứng là theo kết quả công bố chỉ số DDCI năm 2022, kết quả đối với khối sở, ban, ngành có điểm trung vị (điểm của đơn vị đứng giữa trong bảng xếp hạng) đạt 75,99 điểm, tăng hơn 22 điểm so với năm 2017. Khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu và đơn vị đứng cuối được thu hẹp còn 13,67 điểm, giảm hơn 29 điểm so với năm 2017. Bên cạnh đó, đối với khối huyện, thành phố điểm trung vị DDCI năm 2022 đạt 74,65 điểm, tăng gần 21 điểm so với năm 2017.
So sánh kết quả công bố DDCI năm 2022 so với năm 2017, dù số lượng tiêu chí đánh giá gần như không có nhiều thay đổi, nhưng chỉ số của đơn vị đứng đầu khối sở, ngành đã tăng gần 6 điểm. Đặc biệt, chỉ số DDCI của đơn vị đứng đầu khối huyện, thành phố năm 2022 cao hơn đơn vị đứng đầu năm 2017 đến trên 22 điểm. Điều này cho thấy, các cải cách từ các đơn vị ngày càng nhận được sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Chỉ số DDCI là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá, xác định mức độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính. Việc triển khai đánh giá DDCI đã có những đóng góp hết sức đáng kể đối với công tác giải quyết thủ tục hành chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ việc ghi nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp thông qua việc khảo sát chỉ số DDCI những năm qua, tỉnh và các sở ngành, UBND huyện, thành phố đã liên tục đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số này. Từ đó đến nay, nhiều chỉ số thành phần như tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch… đã được cải thiện đáng kể. Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa trong việc cải thiện chỉ số DDCI, đặc biệt là đối với 3 chỉ số gồm: tiếp cận đất đai và tính ổn định khi sử dụng đất; chi phí thời gian; tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Đây là các chỉ số có ảnh hưởng rất lớn đến công tác phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với những kết quả tích cực thể hiện qua số liệu công bố chỉ số DDCI từ năm 2017 đến nay, có thể khẳng định rằng, việc đánh giá chỉ số DDCI đã và đang tạo nguồn thông tin để thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.