Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp
– Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (đã có 144 lượt ý kiến phát biểu, trong đó 125 ý kiến tại tổ và 19 ý kiến tại hội trường). Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
So với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo luật đã được chỉnh lý có 34 điều (tăng 3 điều do bổ sung 1 Điều về giải thích từ ngữ và tách Điều quy định về bố trí lực lượng, chức danh, công nhận chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thành 3 điều luật riêng). Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung trọng tâm trong báo cáo cũng như các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nhiệm vụ nào là thực hiện, nhiệm vụ nào là hỗ trợ.
Cụ thể, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã tổng hợp đầy đủ ý kiến ĐBQH, đã giải trình rõ ràng, hợp lý các nội dung. Dự thảo làm rõ nhiều nội dung đại biểu còn băn khoăn, còn ý kiến khác nhau. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho biết trước kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã tổ tiếp xúc cử tri chuyên đề để lấy ý kiến góp ý về dự thảo luật này.
Góp ý vào Điều 8 dự thảo luật về hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đại biểu Chu Thị Hồng Thái nêu rõ, đây là một trong những chức năng chính quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Thực tế cho thấy, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc huy động Nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở thôn, tổ dân phố, nhất là trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật, phát hiện tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện được đầy đủ và chưa rõ nhiệm vụ của lực lượng này trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Do đó, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cần quy định rõ nhiệm vụ nào là lực lượng Công an xã trực tiếp triển khai phong trào và nhiệm vụ nào phối hợp với các lực lượng khác để triển khai thực hiện.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho biết, hiện nay còn có cách hiểu khác nhau về từ “thôn”. Do vậy, để rõ nghĩa hơn và đảm bảo áp dụng pháp luật được dễ dàng trên thực tế, tránh có cách hiểu khác nhau cần quy định rõ về thôn, tổ dân phố như theo giải thích tại từ ngữ tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật.
Theo chương trình, buổi chiều cùng ngày, Quốc hội nghe báo cáo, tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.