– Sáng 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về lĩnh vực y tế và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã tập trung nêu ý kiến chất vấn vào 3 vấn đề: giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời ý kiến chất vấn của các ĐBQH.
Nêu ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, vấn đề phủ sóng di động tại các thôn vùng sâu, vùng xa đã được nhiều ĐBQH phản ánh qua nhiều kỳ họp. Tuy nhiên, đến nay còn 721 thôn chưa có băng thông di động, trong đó có 124 thôn chưa có điện. Việc phủ sóng các thôn đã có điện cần có sự hỗ trợ của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Để sử dụng được quỹ này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 11. Như vậy, sau một năm Quốc hội thông qua Luật Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa ban hành được Nghị định hướng dẫn. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nguyên nhân của sự chẫm trễ này cũng như phương án phân bổ nguồn quỹ này như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn về vấn đề phủ sóng ở vùng sâu vùng xa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, chúng ta mới phát hiện khá nhiều vùng lõm sóng do làm việc trực tuyến, họp trực tuyến. Gần đây, khi chúng ta chuyển qua sử dụng môi trường số nhiều hơn, làm việc và mua bán trên thương mại điện tử nhiều hơn thì chúng ta mới chú ý nhiều hơn đến vùng lõm sóng. Trong giai đoạn COVID-19, bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép, chúng ta đã phủ sóng được 2.500 thôn bản lõm sóng và 751 vùng lõm sóng mới và trong tương lai sẽ phát hiện thêm. Và, 751 vùng lõm sóng mới phải thực hiện theo quy định mới, nhưng đến nay nghị định chưa được ban hành và chậm trễ. Có nhiều nguyên nhân của vấn đề này, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận trách nhiệm này thuộc về mình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện bộ đang cố gắng hết sức mình để tháng 12 năm nay có thể hoàn thiện và ban hành nghị định, có cơ chế thông thoáng hơn nhiều để xây dựng các trạm phát sóng ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định, khi Nghị định này ra đời thì việc phủ sóng cho 751 vùng lõm sóng sẽ được thực hiện rất nhanh. Với những trạm chưa có điện, bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực để giải quyết và đề xuất giải pháp mới là sử dụng vệ tinh. Bộ trưởng cũng khẳng định: Hiện nay, Bộ TTTT đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi không thể phủ sóng bằng di động mặt đất hoặc không hiệu quả, hoặc khó triển khai.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng nêu ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về giải pháp để loại bỏ tài khoản đăng tải những video tiêu cực ra khỏi mạng xã hội. Cụ thể, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ, hiệu quả của các giải pháp và cơ chế đã phối hợp với các nền tảng mạng xã hội để có thể tự động rà soát, loại bỏ tài khoản đăng tải những video tiêu cực ra khỏi mạng xã hội cũng như có thể đẩy mạnh hơn nữa việc đăng tải những video mang tính tích cực. Từ đó có thể giải quyết một cách hiệu quả việc nhiều thông tin tiêu cực, những video ngắn mang tính bôi nhọ nhân phẩm, kích động gây chia rẽ nội bộ xuất hiện phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bá Mạc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua bộ đã đạt kết quả rất tích cực như: tăng tỉ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10-20% năm 2018 đến nay là tỉ lệ đạt trên 95%, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng, đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.
Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như: cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố…; đồng thời hiện có thể xác định được danh tính khi vi phạm. Đặc biệt, nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với bộ về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tuân thủ luật pháp của Việt Nam trong những hợp đồng với khách hàng.
Cùng với đó, các mạng xã hội đã đóng thuế tại Việt Nam được hai năm rưỡi. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta đã thu được khoảng trên 20.000 tỷ đồng và tăng khoảng 6 lần so với những năm trước, đây cũng là một dấu hiệu rất tích cực.
Nguồn: https://baolangson.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-neu-y-kien-chat-van-bo-truong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-5028206.html