– Ngày 22/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp toàn thể ở hội trường và thảo luận tại tổ về một số dự thảo luật gồm: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm 5 đại biểu do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tham gia thảo luận tại tổ 13 với đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk.
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của luật này.
Góp ý vào khoản 1, Điều 1 của dự thảo luật bổ sung vào Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát, bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, đại biểu nhất trí chọn phương án 2 như trong dự thảo luật để thể hiện mối quan hệ trong hoạt động giám sát với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.
Đối với quy định thời điểm Quốc hội xem xét báo cáo, thảo luận các báo cáo tại khoản 6 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát, đại biểu tán thành phương án quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp giữa năm đối với một số báo cáo, giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng rất lớn của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm, tạo thuận lợi cho Chính phủ tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 1 năm, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần xây dựng báo cáo trình Quốc hội, gây lãng phí về nguồn lực.
Về bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát, đại biểu nhất trí quy định là không bổ sung quy định Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh để thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành quy phạm pháp luật đã được quy định cụ thể các chủ thể có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích hiến pháp, luật và pháp lệnh và trình tự giải thích theo quy định.
Thảo luận tại tổ về tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách. Góp ý kiến vào Điều 2 về đối tượng chịu thuế, đại biểu nhất trí với việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế TTĐB.
Đại biểu cho rằng, mặc dù còn có ý kiến khác nhau tuy nhiên theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các minh chứng về việc sử dụng nhiều đồ uống có đường là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim mạch, béo phì…, nhất là đối với trẻ em thì đại biểu hoàn toàn nhất trí đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế TTĐB để thay đổi xu hướng sản xuất cũng như tiêu thụ mặt hàng này.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục bổ sung rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để “điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe Nhân dân và bảo vệ môi trường” theo mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế mà Chính phủ đã phê duyệt; nghiên cứu việc đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm có hại cho môi trường như: túi nilon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần…
Về thuế suất, đại biểu thống nhất về lộ trình tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá theo phương án 2 để góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách thuế TTĐB trong định hướng tiêu dùng và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước.
Đối với mặt hàng thuốc lá, Dự thảo Luật bổ sung quy định tại điều 12 về tổ chức thực hiện có giao Chính phủ quy định mức thuế TTĐB cụ thể áp dụng đối với từng loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trong trường hợp thuốc lá thế hệ mới được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thì sẽ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB và áp dụng mức thuế TTĐB như mức thuế TTĐB quy định đối với mặt hàng thuốc lá.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định này, bởi trong báo cáo của Bộ Y tế về các nội dung chất vấn tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 này về giải pháp về phòng chống tác hại của thuốc lá có nêu “Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác”.
Tại phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng cũng đã nhiều lần khẳng định quan điểm cần phải cấm lưu hành, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do vậy việc đưa quy định này vào trong dự thảo Luật là chưa được thống nhất ngay trong Chính phủ và cũng chưa có quy định nào về thuốc lá thế hệ mới, do vậy không có cơ sở nào để đưa ra quy định này.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái bày tỏ nhất trí với việc tăng thuế với rượu, bia theo phương án 2 như tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên để đạt mục tiêu bảo vệ sức khoẻ của người dân thì đại biểu đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp ngăn chặn việc sản xuất rượu, bia giả, kém chất lượng và nhập lậu rượu, bia không rõ nguồn gốc để người tiêu dùng không vì giá rượu, bia tăng mà tìm đến các loại rượu, bia trôi nổi trên thị trường.
Nguồn: https://baolangson.vn/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-tai-to-ve-mot-so-du-thao-luat-lien-quan-den-thue-tieu-chuan-ky-thuat-va-hoat-dong-giam-sat-cua-quoc-hoi-va-hdnd-5029389.html