– Với hình thức dự thi phong phú, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” được tổ chức trong 3 năm qua đã thu hút đông đảo học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh tham gia, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong các trường học và cộng đồng.
Các em học sinh chiêm ngưỡng những bài thi đoạt giải được trưng bày tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi năm 2023
Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phát động từ năm 2019 nhằm thúc đẩy, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên (HSSV) trên toàn quốc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Cuộc thi đã trở thành sân chơi bổ ích, ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia với hình thức đa dạng.
Nâng chất và lượng sau 3 mùa thi
Nhận thấy lợi ích của cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, từ năm 2021, tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu hưởng ứng và phát động cuộc thi. Ngay từ năm đầu tổ chức, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tỉnh Lạng Sơn đã thu hút đông đảo học sinh của 373 trường học trên toàn tỉnh tham gia với trên 6.000 bài dự thi. Qua vòng sơ loại cấp huyện đã có 123 bài dự thi lọt vào vòng chung kết cấp tỉnh. Đến năm 2022, cuộc thi đã thu hút đông đảo học sinh của 341 trường học trên toàn tỉnh tham gia với 27.965 bài dự thi (số lượng bài dự thi tăng gấp 4 lần so với năm 2021). Qua vòng sơ loại cấp huyện đã có 142 bài dự thi lọt vào vòng sơ khảo cấp tỉnh. Kết quả năm 2021 – 2022, Ban Tổ chức đã trao giải cho 58 cá nhân có bài thi xuất sắc đạt giải, đồng thời lựa chọn 40 bài tốt nhất gửi tham dự vòng chung khảo toàn quốc do Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL tổ chức.
Năm 2023, Bộ VHTTDL không phát động thi cấp quốc gia nhưng để liên tục tạo sân chơi cho các em học sinh, tỉnh Lạng Sơn vẫn phát động và tổ chức cuộc thi quy mô cấp tỉnh. Cuộc thi được phát động từ ngày 5/5 đến 18/6. Sau hơn 1 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút được đông đảo học sinh của 372 trường học trên toàn tỉnh tham gia với 26.212 bài dự thi. Qua vòng sơ loại cấp huyện đã có 191 bài dự thi lọt vào vòng chung khảo cấp tỉnh (tăng 49 bài so với năm 2022). Ban Tổ chức đã trao 33 giải thưởng cho các tác giả có bài thi xuất sắc nhất.
Tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, các em học sinh được chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của bản thân; sáng tác một tác phẩm (câu chuyện hoặc một bài thơ) nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc… Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Phó Trưởng Ban tổ chức, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi cho biết: Hầu hết bài thi đều thể hiện sự xuất sắc, ấn tượng trong ý tưởng, cách lựa chọn cuốn sách để chia sẻ, nội dung viết thể hiện sự sáng tạo của các em học sinh. Các em đã thể hiện niềm say mê thực thụ đối với sách, trải lòng mình trong từng trang viết và dành trọn tâm huyết của mình để thực hiện bài dự thi. Nhiều bài dự thi được trình bày công phu, đẹp mắt, với cách thể hiện chững chạc trong lối diễn đạt, sâu sắc trong suy nghĩ và sự hồn nhiên trong cảm nhận.
Điển hình tại thành phố là tập thể Trường THPT chuyên Chu Văn An. Đây là một trong những đơn vị luôn giữ vững thành tích trong cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc” qua các năm. Riêng năm 2023, trường có 4 học sinh đoạt 5 giải thưởng (1 giải nhì, 1 giải ba, 2 giải khuyến khích, 1 giải clip xuất sắc nhất), trong đó em Lê Việt Thy, lớp 10D1 có bài thi xuất sắc giành giải ba và giải clip xuất sắc nhất.
Cô giáo Lê Thị Mạnh Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: Những năm qua, để nâng cao văn hoá đọc trong nhà trường, chúng tôi đã cho xây dựng thư viện ngoài trời và bổ sung số lượng sách vào thư viện truyền thống từ các nguồn xã hội hoá, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận sách, hình thành văn hoá đọc trong nhà trường. Cuộc thi đại sứ văn hoá đọc là một trong những minh chứng thực hiện có hiệu quả việc lan toả văn hoá đọc trong nhà trường.
Hoàng Thị Trà My, học sinh lớp 8C, Trường THCS xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia là một trong số những thí sinh được nhiều giải thưởng từ cuộc thi. Em đã có 3 năm liên tiếp đạt giải trong cuộc thi với 1 giải nhì (năm 2021), 2 giải nhất (năm 2022 và 2023). Năm 2023 này, em còn có niềm vui nhân đôi khi em trai của em là Hoàng Thiên Phúc, lớp 4A2, Trường Tiểu học thị trấn Bình Gia cũng giành giải nhất cấp học tiểu học.
Chia sẻ về đam mê đọc sách của mình, Trà My cho biết: Mẹ là người truyền cảm hứng cho em rất nhiều bởi ngay từ lúc em còn bé, mẹ đã thường xuyên đọc sách cho em nghe. Từ khi biết đọc thì em đã tự lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích để đọc. Lúc đầu đọc là truyện tranh rồi chuyển sang đọc những cuốn sách như: hạt giống tâm hồn, những tấm lòng cao cả… Dần dần đọc sách trở thành niềm vui của em.
“Tôi từng có quãng thời gian 8 năm đi học, đi làm ở Nhật Bản. Tôi nhận thấy họ có văn hoá đọc đáng ngưỡng mộ khiến tôi có sự thay đổi về tư duy học thuật và lẽ sống. Vì thế tôi cũng hình thành thói quen, đam mê đọc sách, viết sách, dịch sách. Đến nay, tôi đã viết, dịch hơn 90 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hoá, tham gia nói chuyện, diễn thuyết về giáo dục và văn hoá đọc tại các bộ, ngành, địa phương. Tại Lạng Sơn, tôi cũng đã có nhiều cuộc nói chuyện với các đối tượng khác nhau, trong đó có nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Tôi mong muốn được lan toả văn hoá đọc đó đến với các bạn trẻ, học sinh, sinh viên ở Xứ Lạng để các em thêm đam mê đọc sách, biến đọc sách trở thành một thói quen sinh hoạt thường xuyên, vừa giúp trau dồi thêm nền tảng văn hoá và nền tảng chuyên môn, đồng thời sống như một người biết “thưởng thức” bởi đọc sách là thứ làm cho cuộc sống ta phong phú hơn”.
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương |
Tiếp tục lan toả cuộc thi và niềm say mê đọc sách
Trong thời đại hiện nay, văn hóa đọc đang được nhiều người quan tâm đến như một hoạt động văn hóa quan trọng của con người thông qua việc đọc sách, báo hoặc tài liệu để tìm kiếm thông tin và tri thức một cách khoa học.
Văn hóa đọc có ý nghĩa to lớn trong việc trau dồi kiến thức, kỹ năng và giúp hình thành, hoàn thiện nhân cách của con người, nhất là thế hệ trẻ. Chính vì vậy, thành công của cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” qua 3 mùa thi đã cho thấy thế hệ trẻ hiện nay vẫn đam mê đọc sách và không thờ ơ với văn hóa đọc. Việc tỉnh Lạng Sơn duy trì tổ chức cuộc thi đều đặn như hiện nay không chỉ tạo sân chơi cho các em học sinh mà còn từng bước tạo nên phong trào đọc sách trong các trường học, trở thành một hoạt động thực sự ý nghĩa, thiết thực đối với các em… Từ đó, chính các em sẽ trở thành người truyền cảm hứng đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Từ thành công tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc” trong 3 năm qua, thời gian tới, Sở VHTTDL tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển, lan tỏa văn hóa đọc. Đồng thời tiếp tục vận động, khuyến khích mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng và duy trì thói quen đọc sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, trường học; tăng cường luân chuyển sách báo, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân, nhất là thế hệ trẻ. Cùng với đó, tích cực thực hiện việc đẩy mạnh huy động nguồn xã hội hóa để phục vụ phát triển, lan toả văn hóa đọc trong các nhà trường và cộng đồng.