Hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta xứng đáng là một trong những trang vẻ vang, oanh liệt bậc nhất của lịch sử nhân loại. Điều này lý giải văn chương phi hư cấu (hồi ký, tự truyện, tự thuật…) viết về chiến tranh đang chiếm ưu thế, được độc giả đón nhận. Có trường hợp tác giả đầy ắp vốn sống về đời lính, theo thời gian, ký ức lớn dần, cựa quậy đòi được thể hiện trên trang giấy, “Hồi ức lính” (Nhà xuất bản Trẻ, 2016) của Vũ Công Chiến là một tác phẩm như vậy.
Như bao thanh niên khác, chàng trai Hà Nội Vũ Công Chiến tốt nghiệp cấp 3 năm 1971, được ưu tiên đi học đại học, nhưng tự nguyện cùng bạn bè lên đường ra trận. Đó là sự thật những năm chống Mỹ, cứu nước đậm chất lý tưởng hy sinh vì đất nước: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù!”.
Là người trong cuộc, với quan niệm viết ra những gì đúng nhất với thực tế nên cuốn sách như một kho tư liệu quý. Sử học cung cấp sự kiện, ý nghĩa, còn văn chương – như cuốn sách này – sẽ tái hiện hình tượng người lính và chiến tranh một cách sống động, chân xác nhất. Hơn nữa, nếu các sự kiện, chi tiết là bộ khung cơ thể thì những suy nghĩ, tâm trạng… của chính người lính trong văn chương như máu thịt làm hồng hào, khỏe khoắn, tươi tắn cơ thể ấy.
Viết về thời lý tưởng hóa nhưng lại theo nguyên tắc có thế nào viết vậy, không tô vẽ nên sức thuyết phục là sự chân thực, chân thành. Tái hiện không khí xã hội, con người sống bằng niềm tin chiến thắng, cả dân tộc đoàn kết một lòng đánh giặc, mà không hề sáo hay “lên gân”. Đó là những hình ảnh cao đẹp: Người dân nhường nhà cho bộ đội, cho bộ đội rau xanh; bộ đội coi dân như cha mẹ; những mối tình trong vắt, thánh thiện giữa anh lính sắp ra trận và cô gái hậu phương… Giữa chiến trường ác liệt, bên cạnh phẩm chất dũng cảm, mưu trí, lính ta cũng bao phút yếu lòng, không chỉ đào ngũ cá nhân mà có khi cả tiểu đội. Có cả kiểu “tự thương”, rồi bắn nhầm đồng đội. Có cả sự “ngớ ngẩn” đến mức đi vòng 4 lần, may mắn gặp được trinh sát mới về nơi tập kết chỉ cách nửa cây số… Những chi tiết đó không làm giảm bớt đi ánh hào quang tự hào, trái lại, người lính hiện lên rất đời, lung linh tỏa sáng giữa cái đẹp và cái thật, cái lý tưởng và đời thường. Tuổi trẻ gắn liền với tình yêu, kể về những mối tình đầy chất bi kịch, éo le trong chiến tranh nhưng phát sáng tình người…
Các sự kiện được trần thuật tuyến tính từ Hà Nội lên thao trường Hòa Bình, sang chiến trường Nam Lào, về Mặt trận Tây Nguyên (B3), giải phóng Buôn Ma Thuột… cuốn sách là một biên niên sử được chính người trong cuộc viết ra. Không gian văn hóa được nới rộng, bạn đọc còn hiểu biết thêm về văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc nước bạn Lào cần cù, nhẫn nại, không hề thích chiến tranh, đồng bào Tây Nguyên một lòng theo Đảng… Một câu nói của đồng bào như là một ám ảnh: “Bộ đội quen chết rồi…”. Những ai đã từng cầm súng đánh giặc sẽ thấy câu nói ấy khái quát đầy tự hào, thiêng liêng, cũng đầy đau đớn, xót xa về người lính. Văn chương chinh phục, thuyết phục ở chi tiết, là vậy.
Với “Hồi ức lính”, người đọc sẽ dễ bỏ qua những câu văn còn sượng, những so sánh còn thiếu tinh tế, chi tiết dàn trải để chỉ còn thấy những không gian chiến trường hôm qua và thời hôm nay đồng hiện trên trang giấy. Người thuật kể như cái bản lề – chắc chắn và đáng tin – kết nối, khép mở các lớp không gian ấy. Hầu như không cố ý dụng công nghệ thuật, nhưng với tấm lòng trong sáng, thành thực, tâm huyết lại tạo ra nghệ thuật đích thực! Đó là lý do “Hồi ức lính” được tái bản nhiều lần, được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội.
Nguồn: https://baolangson.vn/cuoc-song-ket-thanh-tac-pham-5033219.html